Có hiệu lực vào ngày 16-3 tới, sắc lệnh mới chính thức thay thế sắc lệnh sóng gió được ông Trump ký ban hành hôm 27-1 và bị Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 đóng băng vào tháng rồi.
Sắc lệnh mới tạm cấm nhập cảnh trong vòng 90 ngày đối với người dân từ 6 nước - thay vì 7 như sắc lệnh cũ, bao gồm Iran, Libya, Yemen, Syria, Somalia và Sudan. Iraq là nước được loại khỏi danh sách cấm theo đề xuất của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay Iraq “thoát” lệnh cấm vì chính phủ nước này đã cam kết tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và nhiều hoạt động liên quan khác. “Iraq là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống IS” – Ngoại trưởng Rex Tillerson nói sáng cùng ngày 6-3.
Hình ảnh ông Trump ký sắc lệnh nhập cư mới được Nhà Trắng công bố. Ảnh: Twitter
Về vấn đề người tị nạn, sắc lệnh mới tạm cấm tất cả người tị nạn đến Mỹ trong vòng 120 ngày. Riêng nội dung cấm nhập cảnh người tị nạn Syria vô thời hạn trong sắc lệnh trước đó đã được hủy bỏ. Những người tị nạn đã được Bộ Ngoại giao xét duyệt vẫn được nhập cảnh vào Mỹ song giới hạn ở mức 50.000 người/năm.
Đặc biệt, để tránh những thách thức pháp lý, sắc lệnh mới không áp dụng cho các thường trú nhân hợp pháp và những người đã có visa hợp lệ đến từ 6 nước kể trên. Nói cách khác, sắc lệnh mới chỉ áp dụng cho những người đăng ký visa mới trong tương lai.
Phát biểu trên kênh Fox News hôm 6-3, trợ lý cấp cao của ông Trump là bà Kellyanne Conway tóm gọn: "Nếu bạn có giấy tờ đi lại, có visa, là thường trú nhân thì bạn không bị ảnh hưởng bởi sấc lệnh này". Sắc lệnh mới cũng quy định ngoại lệ dành cho các mục đích công tác, chữa bệnh hoặc miễn thị thực tùy từng trường hợp.
Tại cuộc họp báo công bố sắc lệnh trưa 6-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions và Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa John Kelly cho rằng sắc lệnh mới sẽ tạo ra khoảng ngừng cần thiết để “rà soát cẩn thận cách kiểm tra những người đến từ các quốc gia có vấn đề an ninh”.
Còn Ngoại trưởng Tillerson nói: "Như mọi quốc gia, Mỹ có quyền kiểm soát vấn đề nhập cảnh và ngăn chặn những ai sẽ gây hại cho đất nước".
Biểu tình phản đối sắc lệnh nhập cư cũ của ông Trump. Ảnh: Reuters
Sắc lệnh đầu tiên gây hỗn loạn và bị phản đối phần nhiều là do không rõ nó có áp dụng cho cả thường trú nhân (những người có thẻ xanh), những người mắc kẹt sân bay và những người bị thu hồi visa hay không.
Sắc lệnh cũ có hiệu lực ngay lập tức cũng gây nhiều rắc rối. Nhiều người có visa hợp lệ bỗng dưng bị bắt khi vừa đặt chân đến sân bay Mỹ mà không hề có cảnh báo trước.
Chính vì vậy, việc sắc lệnh mới có hiệu lực 10 ngày sau khi ký cũng nhằm ngăn ngừa những rối loạn có thể có.
Sắc lệnh mới có bị kiện?
Theo nguồn tin của ABC, sau khi sắc lệnh nhập cư đầu tiên bị tòa án đóng băng, ông Trump ban đầu muốn “đi tới cùng” với tòa án. Tuy nhiên, đội ngũ pháp lý của ông cho rằng nên thay thế sắc lệnh cũ và tổng thống Mỹ miễn cưỡng nghe theo.
Vậy sắc lệnh mới có bị kiện tiếp hay không? Câu trả lời của BBC là "có thể".
Khi đóng băng sắc lệnh cũ, các thẩm phán liên bang dựa trên lập luận "không có chứng cứ về việc người dân đến từ các nước bị nêu tên gây ra các vụ khủng bố ở Mỹ". Do đó, sắc lệnh mới cũng có thể bị kiện bởi chính quan điểm này.
Bình luận (0)