Theo LA Times, hơn 50.000 người theo dõi phiên tranh luận được thực hiện qua điện thoại giữa 3 vị thẩm phán bờ Tây nước Mỹ này.
Phán quyết sớm nhất có thể
Ba vị thẩm phán điều hành cuộc tranh luận là 3 người được bổ nhiệm dưới 3 thời tổng thống Mỹ khác nhau, bao gồm Thẩm phán Richard Clifton, được bổ nhiệm dưới thời ông George W. Bush, Thẩm phán William Canby Jr., dưới thời ông Jimmy Carter, và Thẩm phán Michelle Friedland, dưới thời ông Barack Obama.
Từ trái sang, các Thẩm phán Richard R. Clifton, William Canby, và Michelle T. Friedland.Ảnh: AP
Tại phiên điều trần, các thẩm phán đã chất vấn luật sư từ Bộ Tư pháp Mỹ và bang Washington về lệnh đình chỉ nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo đa số.
Vấn đề xác định lệnh cấm nhập cư của ông Trump có phải là sự đối xử phân biệt, chống Hồi giáo hay không cũng chiếm thời lượng không ít của cuộc điều trần.
Các thẩm phán cũng xem xét liệu lệnh cấm nhập cư của ông Trump tốt nhất là nên chỉ hạn chế thay vì chặn đứng hoàn toàn hay không. Về khía cạnh này, các luật sư của chính phủ đã tranh luận rằng lệnh hạn chế do thẩm phán liên bang Seattle James Robart đưa ra đã đi quá xa khi chặn đứng triển khai lệnh của ông Trump trên cả nước.
Sau hơn 1 giờ thảo luận qua điện thoại giữa các luật sư bang Washington và Bộ Tư pháp về việc liệu có lật ngược lệnh nhập cư của Tổng thống Trump hay không, Thẩm phán Michelle Friedland của Tòa phúc thẩm số 9 đã nói rằng tòa sẽ có quyết định sớm nhất có thể.
Các chuyên gia pháp lý nói rằng họ kỳ vọng có thể nghe phán quyết của tòa trong vòng vài ngày tới. Theo một cuộc họp báo trước đó từ phiên tòa, không mong đợi phán quyết được đưa ra trong ngày hôm nay, nhưng có thể được đưa ra trong tuần này.
Ngoài các tranh luận và hỏi đáp với các luật sư liên quan trong phiên điều trần hôm 7-2, phiên tòa còn nhận được hàng trăm trang tóm tắt từ các luật sư về vụ việc, cũng như từ các công ty công nghệ, các tổng chưởng lý bang và các bên khác đang tìm đường tham gia tranh tụng khác.
Phiên điều trần hôm 7-2, theo giờ địa phương đối với lệnh cấm nhập cư của Tổng thống trump đã thu hút lượng người theo dõi khổng lồ với bản thu âm phiên điều trần được phát trực tiếp trên mạng và truyền hình. Hơn 135.000 người đã nghe cuộc tranh luận đáng chú ý này trên trang YouTube.
CNN và MSNBC cũng có bước đi chưa từng thấy khi phát trực tiếp bản audio của cuộc tranh luận kéo dài 1 giờ trong khi nhiều trang tin khác cũng có động thái tương tự nên con số chính xác những người theo dõi cuộc điều trần chưa thể nắm bắt đầy đủ.
Gậy ông đập lưng ông
Theo LA Times, trong khi phiên điều trần của tòa phúc thẩm liên bang tranh luận về hiệu lực của sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump, một số bằng chứng mạnh nhất của đối phương lại đến từ chính những phát ngôn của ông.
Vấn đề tranh luận chủ chốt của vụ việc là liệu sắc lệnh của ông Trump có vi phạm quy định cấm phân biệt tôn giáo của Hiến pháp Mỹ hay không. Các luật sư từ bang Washington và Minnesota đều cáo buộc sắc lệnh nói trên được đưa ra để phân biệt đối xử chống lại người Hồi giáo.
Khi được hỏi về bằng chứng để chứng minh cho khẳng định của mình, luật sư của bang Washington không ngần ngại chỉ thẳng vào những tuyên bố công khai từ Tổng thống Trump và các cố vấn cấp cao của ông được cho là “khá sốc”.
Theo đó, ông Trump đã kêu gọi một “lệnh cấm Hồi giáo” trong suốt cuộc tranh cử tổng thống. Và vào ngày vị tân tổng thống kí sắc lệnh nhập cư, ông đã tham gia trả lời phỏng vấn một mạng lưới truyền hình của Đạo Thiên Chúa, trong đó ông khẳng định rằng ông muốn ưu tiên cho người tị nạn theo đạo này.
Luật sư Noah Purcell của bang Washington nói rằng bằng chứng này đã cho thấy sắc lệnh của ông Trump “nhằm ưu tiên cho một số nhóm tôn giáo hơn những nhóm khác”, và điều đó phi phạm lệnh cấm của Điều Bổ sung sửa đổi đầu tiên (First Amendment) về tôn giáo.
Tuy nhiên, Thẩm phán Richard R. Clifton đã đưa ra một chi tiết phản biện một cách sòng phẳng khi nói rằng 7 quốc gia trong lệnh cấm của ông Trump chỉ là một phần nhỏ trong thế giới Hồi giáo. Điều đó có thể cho thấy rằng sắc lệnh không nhằm vào tất cả người Hồi giáo nói chung mà là cư dân của những quốc gia có vấn đề nghiêm trọng với khủng bố.
Bình luận (0)