Chưa kịp "hồi phục" từ vụ giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bị sa thải, Nhà Trắng lại dính khủng hoảng mới, lần này xuất phát từ cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump "chia sẻ thông tin mật" cho Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak trong cuộc gặp ở Phòng Bầu dục hôm 10-5.
Hậu quả tiềm tàng
Tờ The Washington Post chiều 15-5 (giờ địa phương) tung ra thông tin "bom tấn" trên đầu tiên, trước khi một số phương tiện truyền thông khác vào cuộc thông qua những nguồn tin giấu tên. Cụ thể, theo The Washington Post, ông Trump bất ngờ đi chệch kịch bản và mô tả chi tiết về mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng liên quan đến việc sử dụng máy tính xách tay làm bom trên máy bay. Thông tin này được cung cấp bởi "một đồng minh Trung Đông thân cận" (theo tờ The New York Times) thông qua thỏa thuận chia sẻ tin tình báo.
Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết thêm thông tin này được xếp vào loại tuyệt mật và chỉ có một số quan chức tình báo nắm được. Các quan chức sau đó lập tức gọi điện cho Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong nỗ lực giảm nhẹ thiệt hại từ động thái "tự phát" của ông Trump.
Hơn 1 giờ sau khi "bom tấn" được kích hoạt, Nhà Trắng có phản ứng thông qua một loạt tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Dina Powell. Tuy nhiên, trang Axios chỉ ra rằng những quan chức này chỉ bác bỏ chung chung chứ không đả động đến cáo buộc ông Trump chia sẻ tin tình báo mật có được từ một nguồn tin nhạy cảm. Chẳng hạn, ông Tillerson khẳng định Tổng thống Trump và ông Lavrov thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có nội dung chống khủng bố nhưng hai bên không đề cập đến nguồn tin tình báo, phương pháp thu thập hoặc chiến dịch quân sự bí mật nào. Bộ Ngoại giao Nga cũng gọi thông tin trên là "giả mạo". Vào sáng 16-5, đến lượt ông Trump lên mạng Twitter khẳng định ông có quyền chia sẻ "thông tin nhạy cảm" với Nga và ông làm thế để giúp Moscow trong cuộc chiến IS và chủ nghĩa khủng bố.
Vấn đề là bản tin của The Washington Post không hề đề cập những thông tin bị ông Tillerson bác bỏ nói trên. Thay vào đó, tờ báo chỉ nói đến nỗi lo của các quan chức về cách thức xử lý thông tin mật của ông Trump và những hậu quả tiềm tàng. Trước hết là nỗi lo phương pháp thu thập tin tình báo và danh tính nguồn tin có nguy cơ bị lộ, cản trở khả năng phát hiện những mối đe dọa mới của IS trong tương lai. Ngoài ra, ngay cả khi một tổng thống Mỹ có quyền tiết lộ thông tin mật nếu muốn thì trong trường hợp này, ông Trump đã chia sẻ chúng với Nga khi không có sự đồng ý của đồng minh, đe dọa đến sự hợp tác sau này giữa hai bên.
Nhiều khả năng vụ việc có thể phủ bóng cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Nhà Trắng ngày 16-5 (giờ địa phương) bởi Ankara đang là một đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống IS.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (bìa trái) và một số quan chức Nga tại Nhà Trắng hôm 10-5 Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga
Hành động "nguy hiểm"
Ông Trump đối mặt sức ép đang tăng về pháp lý và chính trị liên quan đến mối quan hệ bị cáo buộc giữa chiến dịch tranh cử của ông và Nga. Phản ứng chỉ trích hoặc lo ngại từ cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đối với vụ lùm xùm mới nhất là điều không khó hiểu. Ông Dick Durbin, nhân vật thứ 2 của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, đánh giá ông Trump đã hành động "nguy hiểm" và "khinh suất". Trong khi đó, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, gọi các cáo buộc trên là "rất, rất đáng lo" nếu được chứng minh là đúng.
Mạnh miệng hơn, ông Alan Dershowitz, giáo sư Trường luật Harvard (Mỹ), gọi thông tin ông Trump tiết lộ tin mật cho giới chức Nga là "cáo buộc nghiêm trọng nhất từ trước đến giờ nhằm vào một tổng thống đương chức, liên quan đến an ninh quốc gia" dù đánh giá hành động này có thể không phạm pháp vì ông Trump có quyền giải mật thông tin. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng thông tin trên không phải là bí mật của Mỹ mà là của một đồng minh nên câu chuyện phức tạp hơn. Đi xa hơn, ông Eliot Cohen, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, gọi đây là hành động phản quốc nếu việc rò rỉ thông tin mật là cố ý.
Điều trớ trêu là ông Trump bị cáo buộc chia sẻ thông tin mật dù bản thân được xem là có lập trường cứng rắn đối với hành vi này. Sau khi vào Nhà Trắng, ông đòi điều tra những người "rò rỉ" thông tin bị xem là đang phá hoại nhiệm kỳ mình. Khi còn tranh cử, ông Trump liên tục chỉ trích đối thủ Hillary Clinton thiếu thận trọng trong việc xử lý tài liệu mật.
Trước đó, vào năm 2013, ông Trump mạnh miệng gọi Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ, là "kẻ phản bội" và "xứng đáng bị hành quyết" vì rò rỉ tài liệu mật về chương trình do thám của NSA.
Nhà Trắng rối loạn
Hãng tin AP mô tả khung cảnh quen thuộc tại Nhà Trắng theo sau vụ Tổng thống Donald Trump bị cho là chia sẻ thông tin mật với các quan chức Nga: Các cuộc họp khẩn đằng sau cánh cửa đóng kín, phóng viên tràn ngập các hành lang, các tuyên bố được đưa ra vội vã nhưng nhiều câu hỏi không được giải đáp.
Trang Daily Beast dẫn lời một cố vấn cao cấp của ông Trump kể rằng đội ngũ truyền thông và các nhân viên cấp cao tại Nhà Trắng đã "ẩn náu trong văn phòng", theo đúng nghĩa đen, để tránh né các câu hỏi của báo giới. Người này mô tả khung cảnh tại Nhà Trắng căng thẳng và trông không khác gì "nhà xác" trong lúc các phụ tá cao cấp của ông Trump, như Sean Spicer, Sarah Huckabee Sanders và Stephen Bannon nhóm họp tìm giải pháp "khắc phục hậu quả".
Vụ việc trên xảy ra giữa lúc Nhà Trắng vẫn chưa xử lý xong tác động tiêu cực từ quyết định sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey của ông Trump. "Nhà Trắng phải sớm làm điều gì đó để kiểm soát tình hình" - thượng nghị sĩ Bob Corker nhận định với các phóng viên sau cuộc khủng hoảng mới nhất. Trong khi đó, một sĩ quan tình báo Mỹ gọi thông tin trên là một chỉ dấu nữa cho thấy ông Trump không đánh giá nghiêm túc công việc của cộng đồng tình báo Mỹ và không nhận được sự hậu thuẫn của họ.
Lục San
Bình luận (0)