Nhiệm vụ của ông Pence là thuyết phục các nước Đông Nam Á rằng Mỹ và các đồng minh có thể mang lại cho họ những lựa chọn tốt hơn so với Trung Quốc.
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chính quyền của ông Trump sẽ có những bước chuyển đổi chính sách đối ngoại lớn. Tổng thống Donald Trump thăm Paris vào cuối tuần này và tới Argentina họp Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang nỗ lực sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong khi Phó Tổng thống Pence – người mở ra cách tiếp cận mới trong vấn đề Trung Quốc hồi tháng trước - tới châu Á trong chuyến công du 1 tuần và sẽ có bài phát biểu quan trọng về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ tại cuộc họp của các lãnh đạo APEC.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ trình bày giai đoạn tiếp theo của chiến lược châu Á của chính quyền Tổng thống Trump. Ảnh: AP
Chuyến công du của ông Pence tới châu Á lần thứ 3 kể từ khi nhậm chức này cũng dừng chân tại Nhật Bản, Singapore và Úc, đồng thời ông cũng đại diện cho Mỹ tại Thượng đỉnh của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Thượng đỉnh Đông Á.
Ba hội nghị này là những sự kiện quan trọng quy tụ các lãnh đạo châu Á hằng năm. Ông Pence cũng sẽ gặp các lãnh đạo Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc, Malaysia và New Zealand bên lề các sự kiện.
Chuyến đi của Phó Tổng thống Mỹ diễn ra vào thời điểm quan trọng trong mối quan hệ của Mỹ với các nước ở Đông Nam Á và chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump đối với Trung Quốc.
"Ông ấy sẽ đến khu vực với một thông điệp mạnh mẽ để củng cố ý tưởng cho một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" - một quan chức cao cấp của Nhà Trắng cho biết.
Ý tưởng làm nổi rõ hơn chiến lược châu Á của Tổng thống Trump đã lộ diện tại thượng đỉnh APEC năm ngoái ở Việt Nam. Theo The Washington Post, ông Pence sẽ không tới khu vực này để chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, như điều ông đã làm trong bài phát biểu gần đây. Kế hoạch của ông là đưa tầm nhìn của Mỹ tới khu vực và khẳng định sự ưu việt của nó về mặt kinh tế và chính trị cho các quốc gia trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ ở đây là thực sự.
Một câu hỏi khác đặt ra là liệu các nước ở Đông Nam Á có tin rằng chính quyền của ông Trump có năng lực hay tập trung để đưa ra một lựa chọn thay thế thực chất cho chiến lược mở rộng tham vọng của Trung Quốc trong khu vực hay không.
Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD vào các dự án hạ tầng và các đầu tư khác ở Đông Nam Á trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Cho tới nay, các đề xuất "đối trọng" của Mỹ vẫn chưa đưa ra những con số "nặng ký" về nguồn lực.
Các quan chức Mỹ cho biết Phó Tổng thống đang chuẩn bị thông báo thêm "sức nặng" vào lập luận rằng đầu tư tư nhân của các công ty nước này cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ về quản trị và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ sẽ lành mạnh hơn các kế hoạch cho vay theo kiểu "săn mồi" của Trung Quốc.
"Vành đai và Con đường là đường một chiều" - một quan chức cấp cao của Mỹ nói. "Đó là một ý đồ chính trị và địa chiến lược của chính phủ Trung Quốc để tự gắn chính mình vào chính trị của các quốc gia và thúc đẩy các căn cứ quân sự dưới vỏ bọc của hỗ trợ phát triển".
Giới chuyên gia cho rằng có lý do khả dĩ để nghĩ rằng các nước Đông Nam Á rộng cửa cho cuộc chơi của Mỹ. Các chính phủ mới ở Malaysia và Maldives đã tìm cách "sửa sai" các thỏa thuận hạ tầng mà các chính quyền tiền nhiệm đã ký kết với Bắc Kinh. Các dự án của Trung Quốc ở Pakistan và Sri Lanka đã làm lộ rõ thực tế là các khoản vay lớn của Trung Quốc đi kèm những điều khoản bất công có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với tài chính và chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia.
Bình luận (0)