Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hôm 21-11 khẳng định sẽ rút Washington khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong ngày đầu tiên nhậm chức.
Nhật, Úc không từ bỏ
Trong đoạn video nói về kế hoạch 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng được đăng trên trang YouTube, ông Trump gọi hiệp định được 12 nước ký kết nói trên là “thảm họa tiềm ẩn” với nước Mỹ. Phát biểu này của ông Trump đưa ra giữa lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định với báo giới trong chuyến thăm Argentina hôm 21-11 rằng TPP sẽ vô nghĩa nếu Mỹ không tham gia. Tuy vậy, hôm 22-11, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong cuộc họp báo tại Tokyo rằng nước này vẫn lên kế hoạch vận động hành lang cho TPP.
Trong khi đó, nhấn mạnh lợi ích rõ ràng của TPP trong việc gia tăng việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull khẳng định Canberra vẫn muốn TPP tiếp tục bất chấp lập trường cứng rắn của ông Trump. Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo khẳng định các nước có thể tiếp tục thúc đẩy TPP mà không có Mỹ bằng cách sửa đổi hiệp định này và có thể kết nạp thêm thành viên.
Theo trang Business Insider, việc Mỹ rút khỏi TPP là điều Trung Quốc không mong muốn gì hơn và nếu ông Trump hiện thực hóa tuyên bố của mình, đây sẽ là món quà lớn cho Bắc Kinh. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nhấn mạnh thỏa thuận thương mại quan trọng không có sự góp mặt của Trung Quốc này là con đường thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Washington ở châu Á. Từ đó, TPP cho phép Mỹ, chứ không phải những nước như Trung Quốc, viết luật lệ của con đường đó trong thế kỷ XXI. Không những thế, TPP còn là nòng cốt của chiến lược “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Obama. Thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ví von: “Thông qua TPP quan trọng với tôi như có thêm một tàu sân bay mới”.
Cơ hội tốt cho Bắc Kinh
Theo bình luận của Tạp chí The Week, ông Trump không ngừng chỉ trích TPP là “thảm họa” nhưng thực tế hiệp định này đóng vai trò quan trọng đối với những mục tiêu của Mỹ ở châu Á. Và một khi Washington cự tuyệt vai trò lẽ ra phải đảm trách ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ có cơ hội lấp vào khoảng trống quyền lực rất lớn cả về kinh tế, thương mại, chính trị này.
Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa Hà Vĩ Văn cho rằng Mỹ rút khỏi TPP sẽ là thời cơ tốt cho Bắc Kinh đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các quốc gia ASEAN và các đối tác thương mại khác ở châu Á - Thái Bình Dương. CNBC dẫn lời chuyên gia này cho biết thêm Bắc Kinh đang nỗ lực hoàn tất RCEP vào cuối năm nay hoặc năm tới, từ đó mở đường cho hiệp định rộng lớn hơn, gọi là Khu vực Thương mại tự do khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), do Bắc Kinh thúc đẩy từ năm 2014. Dù tiêu chuẩn của RCEP thấp hơn TPP nhưng một khi TPP “chết yểu” thì “Trung Quốc sẽ độc quyền trong sân chơi” với các nước châu Á, theo Chủ tịch Eurasia Group Ian Bremmer.
Dù giữ lập trường không thân thiện với TPP, ông Trump lại không nhắc tới kế hoạch đối với chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare và xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico trong đoạn video trên. Thay vào đó, ông dành một phần bài phát biểu để nói về nhóm chuyển giao quyền lực trong bối cảnh nổi lên những thông tin nói rằng quá trình chọn thành viên nội các của ông đang rơi vào hỗn loạn.
Ông Trump khẳng định nội các bao gồm “những nhân vật tài năng tuyệt vời, những tấm lòng yêu nước” sẽ sớm trình làng. Tuy vậy, một số lựa chọn ban đầu của ông chưa gì đã gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions, người được chọn dẫn đầu Bộ Tư pháp, từng rớt vị trí thẩm phán liên bang năm 1986 vì các cáo buộc phân biệt chủng tộc. Việc ông Trump bổ nhiệm ông Steven Bannon, người có những phát ngôn, tư tưởng mang tính dân tộc chủ nghĩa và gây chia rẽ, làm nhà chiến lược trưởng kiêm cố vấn cao cấp, thậm chí còn bị phản ứng mạnh mẽ hơn.
Xung đột lợi ích
Càng đến gần thời điểm ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, dư luận càng lo ngại về khả năng tỉ phú bất động sản này mở rộng đế chế kinh doanh có giá trị nhiều tỉ USD của mình. Theo thống kê của tờ The Washington Post, ít nhất 111 công ty của ông Trump đang làm ăn tại 18 quốc gia khắp thế giới và con số này nhiều khả năng tăng lên trong thời gian ông lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hôm 21-11, ông Trump “đăng đàn” mạng xã hội Twitter để trấn an dư luận khi nói sẽ không có chuyện ông sử dụng quyền lực để trục lợi cũng như chỉ trích giới truyền thông gieo rắc hoài nghi về mình. Vấn đề là cho đến giờ, ông Trump vẫn chưa chịu từ bỏ hoàn toàn các lợi ích kinh doanh cá nhân hoặc để một bên độc lập quản lý chúng, điều Tổng thống đương nhiệm Barack Obama hoặc những người tiền nhiệm Bill Clinton, cha con nhà Bush… đã làm. Thay vào đó, ông nói sẽ để con cái quản lý sản nghiệp trong khi 3 người con của ông lại có vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển giao quyền lực.
Những vụ lùm xùm liên quan đến chuyện làm ăn của ông Trump sau khi thắng cử xuất hiện ngày càng nhiều. Hôm 21-11, ê-kíp của ông Trump phải lên tiếng bác bỏ thông tin tổng thống Mỹ đắc cử đã nhờ Tổng thống Argentina Mauricio Macri giúp đỡ trong một dự án xây dựng tại thủ đô Buenos Aires. Theo họ, không có chuyện hai ông này bàn về kế hoạch xây dựng một tòa cao ốc trị giá 100 triệu USD, dự kiến bắt đầu vào năm tới. Dĩ nhiên là người phát ngôn của ông Macri cũng bác bỏ thông tin không hay ho này - do một trong những nhà báo nổi tiếng nhất Argentina Jorge Lanata tiết lộ.
Chưa hết, theo tờ The New York Times, gia đình ông Trump vừa tiếp 3 doanh nhân Ấn Độ tại văn phòng bên trong Tháp Trump ở TP New York. Những đối tác này đang xây dựng một khu phức hợp căn hộ mang thương hiệu Trump ở gần TP Mumbai - Ấn Độ. Ngoài ra, còn xuất hiện thông tin ông Trump đăng ký 8 công ty ở Ả Rập Saudi trong thời gian tranh cử. Tờ The Washington Post còn cho rằng khách sạn Trump International - mới được đích thân ông Trump cắt băng khánh thành ở thủ đô Washington - đã mời đại diện các đại sứ quán đến để khuyến khích họ thuyết phục các lãnh đạo mình chọn ở khách sạn này khi thăm Mỹ.
CNN nhận định việc ông Trump không dứt khoát rời xa chuyện làm ăn có thể khiến các nhà ngoại giao nước ngoài xem việc kinh doanh nhà Trump là cầu nối để “tìm kiếm sự ưu ái” từ tổng thống Mỹ tương lai. Theo Reuters, bất kỳ động thái nào của ông Trump nhằm cấm người Hồi giáo vào Mỹ hoặc khôi phục biện pháp tra tấn bằng cách trấn nước nghi phạm khủng bố đều có tác động tiêu cực đến chuyện kinh doanh của gia tộc Trump ở nước ngoài. Nghiêm trọng hơn, chính phủ các nước có lợi ích kinh doanh của ông Trump có thể lợi dụng chúng để tác động hoặc gây sức ép lên ông khi cần.
Phương Võ
Bình luận (0)