Nhậm chức chưa được bao lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải hứng chịu thất bại lớn đầu tiên về pháp lý sau khi Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực số 9 tại TP San Francisco, bang California, cuối ngày 9-2 (giờ địa phương) bác yêu cầu khôi phục sắc lệnh cấm nhập cư gây tranh cãi của ông.
Nhiều sai lầm
Theo trang Bloomberg, cả 3 thẩm phán của phiên tòa phúc thẩm đều bác bỏ hầu như mọi lập luận của chính phủ, chẳng hạn như chính quyền ông Trump không trưng ra được bằng chứng cho thấy 7 nước bị nêu trong sắc lệnh có công dân gây ra tấn công khủng bố ở Mỹ. Trong khi đó, theo các thẩm phán, các bang Washington và Minnesota lại đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp, trường đại học và công dân tại những địa phương này sẽ bị tổn hại nếu lệnh hạn chế nhập cư được khôi phục, dù là tạm thời.
Trang Politico chỉ ra 2 sai lầm góp phần khiến sắc lệnh của ông Trump bị đánh bại tại tòa án. Trước hết, Nhà Trắng không nói rõ ngay từ đầu rằng lệnh hạn chế nhập cư không ảnh hưởng đến thường trú nhân ở Mỹ (người có thẻ xanh), dẫn đến hàng trăm người thuộc diện này bị tạm giữ trong thời gian sắc lệnh được thực thi. Đây được xem là sai lầm nghiêm trọng bởi thường trú nhân có nhiều quyền được quy định trong hiến pháp hơn những người nước ngoài khác. Nhờ vậy, phe phản đối gần như chắc thắng bằng cách thuyết phục các thẩm phán rằng thường trú nhân bị tạm giữ hoặc cấm nhập cảnh không công bằng.
Một sai lầm lớn khác xảy ra khi Bộ Tư pháp lập luận tòa án không có vai trò gì trong việc kiểm tra những quyết định liên quan đến nhập cư mà ông Trump đưa ra dựa trên cơ sở an ninh quốc gia - một lý lẽ khiến các thẩm phán cảm thấy “rất khó chịu”. Một số chuyên gia cho rằng lẽ ra các luật sư chính phủ nên thừa nhận các thẩm phán có vai trò nào đó trong vấn đề này nhưng nhấn mạnh họ phải tôn trọng nhánh hành pháp.
Tiến thoái lưỡng nan
Gạt sang một bên vấn đề pháp lý, phán quyết trên đã giáng đòn mạnh vào một trong những trụ cột trong chương trình nghị sự chính trị của ông Trump - an ninh quốc gia - cũng như phát đi thông điệp mạnh mẽ về hệ thống kiểm tra và cân bằng nhằm hạn chế tình trạng lạm quyền.
Quyết không chịu thua, ông Trump lập tức gọi phán quyết trên mang tính chính trị và không loại trừ khả năng tiếp tục cuộc chiến pháp lý - yêu cầu toàn bộ thẩm phán Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực số 9 xem xét lại phán quyết hoặc đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao. Dù vậy, ông Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cảnh báo Nhà Trắng có thể đối mặt không ít rủi ro chính trị nếu kéo dài cuộc chiến pháp lý vào thời điểm ông Trump mới nắm quyền 3 tuần. Theo ông, nếu chọn sai cuộc chiến, tổng thống có thể gặp nhiều thách thức hơn nữa trong nỗ lực thúc đẩy những chính sách thật sự quan trọng với di sản của mình.
Tòa án Tối cao gồm 9 thẩm phán nhưng hiện bị khuyết một vị trí sau khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời năm ngoái. Việc bổ nhiệm người thay thế hứa hẹn mở ra một cuộc chiến dài hơi mới trong chính trường Mỹ. Vấn đề là ngay cả ứng viên được ông Trump đề cử cho vị trí này, thẩm phán Neil Gorsuch, cũng cảm thấy không thoải mái với những lời lẽ công kích hệ thống tòa án đất nước của ông chủ Nhà Trắng những ngày qua. Trong trường hợp Tòa án Tối cao xem xét vụ việc trước khi ông Gorsuch ngồi vào vị trí trên và quyết định không đứng về bên nào (tỉ lệ biểu quyết 4-4), phán quyết của tòa phúc thẩm sẽ được bảo lưu.
Một lựa chọn khác có thể mất ít thời gian hơn là ban hành sắc lệnh hạn chế nhập cư mới nhưng phải bảo đảm nó không bị thách thức về mặt pháp lý như sắc lệnh hiện nay. “Phán quyết cấm thực thi sắc lệnh hạn chế nhập cư sẽ được duy trì trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Ông ấy (Trump) cho rằng điều này là mối đe dọa đến an ninh quốc gia. Nếu đúng như vậy, ông ấy chỉ còn lựa chọn duy nhất - soạn thảo sắc lệnh mới vừa bảo vệ an ninh quốc gia vừa tránh bị cáo buộc là vi hiến.
Tuy nhiên, điều này chẳng khác nào là ông Trump thừa nhận mình đã sai” - ông Alan Dershowitz, giáo sư danh dự của Trường Luật Harvard, nói với đài CNN. Không có gì quá khi nói rằng ông Trump đang lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan sau khi nhận được “bài học” về sức mạnh của nhánh tư pháp và những hạn chế của quyền hành pháp.
Tái khởi động quan hệ với châu Á
Mời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chơi golf, viết thư rồi điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang tái khởi động quan hệ với châu Á, tập trung chính sách đối ngoại vào khu vực năng động nhất thế giới này.
Trận golf lịch sử giữa Thủ tướng Abe và ông Trump diễn ra tại sân golf quốc tế Trump gần khu nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ ở Palm Beach, bang Florida ngày 11-2, một ngày sau cuộc họp thượng đỉnh giữa 2 vị lãnh đạo ở Washington. “Ngoại giao chơi golf” hứa hẹn là cơ hội xây dựng mối quan hệ thân mật hơn để bù đắp cho việc cuộc họp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo bị phủ bóng bởi vấn đề thương mại. Chuyến ngoại giao nghỉ dưỡng dường như đã nhen nhóm từ cuộc gặp mặt ngày 17-11 năm ngoái, khi ông Trump - khi đó là tổng thống Mỹ đắc cử - đã tặng ông Abe một chiếc áo golf và thủ tướng Nhật đáp lễ bằng một cây gậy đánh golf mạ vàng. Trong cuộc phỏng vấn nhanh với Westwood One Sports Radio, Tổng thống Trump nói cuộc gặp cuối tuần với ông Abe sẽ theo khuynh hướng gần gũi “giữa những đối tác chứ không phải đối thủ cạnh tranh”.
Tuy nhiên, mọi quan tâm đang đổ dồn vào sự căng thẳng trong quan hệ thương mại trị giá 268 tỉ USD giữa nền kinh tế số 1 và số 3 thế giới. Theo đài CNN, Tổng thống Trump dường như sẽ không lùi bước. Ông từng chỉ trích hoạt động thương mại đối với ô tô của Nhật Bản là không công bằng và mạnh miệng tuyên bố Tokyo đã áp thuế khiến xe hơi Mỹ không tiêu thụ được ở thị trường Nhật. Giới chức Washington tin rằng khả năng ông Trump sẽ đề cập nhiều với thủ tướng Nhật về cân bằng thương mại và giải quyết vấn đề mà ông chủ Nhà Trắng gọi là “nỗ lực cố ý” của Tokyo nhằm làm mất giá đồng yen để giành lợi thế thương mại bất công với Mỹ.
Ở chiều ngược lại, tờ Asahi Shimbun hôm 10-2 dẫn lời cựu Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho rằng cuộc gặp với Tổng thống Trump là cơ hội để ông Abe bày tỏ quan điểm về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tầm quan trọng của nó với chiến lược kinh tế của Tokyo. Theo ông Froman, đây là một trong những nội dung thảo luận quan trọng nhất và TPP sẽ là nền móng cho các cuộc đàm phán thương mại tương lai giữa hai bên.
Trong khi đó, thái độ của Tổng thống Trump với Trung Quốc bất ngờ đảo chiều khi ông chủ Nhà Trắng “đồng ý tôn trọng chính sách một Trung Quốc” trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Tập Cận Bình tối 9-2. Một ngày trước đó, truyền thông Trung Quốc tỏ thái độ rất tích cực với bức thư mà ông Trump gửi chủ tịch Trung Quốc với nội dung chúc mừng ngày Tết nguyên đán và bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai bên. Theo Cố vấn cấp cao về châu Á Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), đây là bước đi quan trọng “mở đường cho sự kết nối của chính phủ Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề toàn diện”. Báo The New York Times cho rằng tính thời điểm của sự kiện này rất đáng chú ý vì diễn ra ngay trước khi Tổng thống Trump tiếp đón Thủ tướng Abe trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày mà Bắc Kinh hẳn sẽ theo sát.
Thu Hằng
Bình luận (0)