Toà phúc thẩm Mỹ Khu vực Số 9 cho biết sẽ không ngăn chặn phán quyết tạm dừng lệnh cấm của tòa án cấp dưới. Với kết quả này, có khả năng chính quyền của ông Trump sẽ kháng án lên đến Tòa án Tối cao. Ngay sau khi có phán quyết, Tổng thống viết ngay lên Twitter: “Hẹn gặp lại tại tòa án, an ninh của đất nước chúng ta đang bị đe dọa”.
Sắc lệnh tạm thời cấm tất cả những người tị nạn và du khách đến từ 7 nước có dân số chủ yếu là người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Ảnh: AP
Trước đó, trong phiên điều trần, luật sư của Bộ Tư pháp đã lập luận rằng lệnh cấm là quyền thực thi pháp luật của tổng thống. Luật sư Noah Purcell - đại diện cho 2 bang Washington và Minnesota - đã đệ đơn kiến nghị về lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump, cho rằng chính quyền Washington đang yêu cầu khôi phục một sắc lệnh hành pháp chưa được xem xét đầy đủ về khía cạnh pháp lý. Luật sư này cảnh báo tân tổng thống Mỹ đang đưa đất nước trở lại tình trạng “hỗn loạn”.
Mọi việc xảy ra sau khi Thẩm phán Liên bang James Robart tại TP Seattle ban hành một lệnh tạm thời dừng lệnh cấm của ông Trump, sau khi hai bang Washington và Minnesota đệ đơn kiện. Hai bang này cho rằng sắc lệnh của ông Trump là vi hiến và phân biệt đối xử người Hồi giáo.
Phán quyết này đương nhiên không hề “được lòng” Tổng thống Trump. Trên Twitter, ông Trump mô tả Robart là “người được gọi là thẩm phán” và phán quyết của ông này là “vô lý”. Theo ông Trump, phán quyết của thẩm phán Robart chẳng khác nào việc ủng hộ “bất cứ ai, kể cả những kẻ có ý đồ xấu, có thể xâm nhập nước Mỹ”.
Sắc lệnh của ông Trump tạm thời cấm tất cả những người tị nạn và du khách đến từ 7 quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Lý do được đưa ra là quan ngại đe dọa khủng bố, an ninh quốc gia gặp nguy. Thế nhưng, sắc lệnh lại dấy lên làn sóng phản kháng khắp nơi, cả trong và ngoài nước Mỹ. Các cựu binh, công ty công nghệ lớn của Mỹ và quan chức thực thi pháp luật từ hơn một chục quốc gia ủng hộ các nỗ lực pháp lý chống lại lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.
Bình luận (0)