Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22-5 đến Israel trong nỗ lực giúp hồi sinh tiến trình hòa bình Trung Đông đang bế tắc. Dù vậy, không có nhiều hy vọng về một kết quả đột phá khi ông lần lượt gặp Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày này.
Sự thận trọng dễ hiểu
Một phần sự thiếu lạc quan nói trên đến từ thực tế ông chủ mới của Nhà Trắng không hé lộ nhiều về những gì định làm để giúp Israel và Palestine đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng - một thành tựu đã lảng tránh không ít người tiền nhiệm của ông.
Khi mới nhậm chức, ông Trump giao cho rể quý Jared Kushner và luật sư lâu năm Jason Greenblatt nhiệm vụ phác thảo hướng chinh phục mục tiêu đầy thách thức nói trên. Đây được xem là sự chuyển hướng mạnh mẽ so với những chính quyền Mỹ trước đó vì trách nhiệm này thường được giao cho ngoại trưởng.
Trước khi đón tiếp phái đoàn Mỹ, nội các ông Netanyahu hôm 21-5 thông qua một số nhượng bộ kinh tế với người Palestine theo đề nghị của ông Trump. Dù vậy, các quan chức Mỹ tìm cách giảm nhẹ sự kỳ vọng.
Ông David Friedman, Đại sứ Mỹ tại Israel, nói mục tiêu ban đầu của ông Trump là khởi động cuộc đàm phán với hy vọng cuối cùng sẽ dẫn đến hòa bình. Có thể hiểu được sự thận trọng này vì nhiều chuyên gia chỉ ra giới chức Mỹ hiện không có nhiều ảnh hưởng đối với tiến trình hòa bình bởi yếu tố quyết định vẫn nằm ở những nhà thương thuyết Israel và Palestine.
Vấn đề là sau cuộc gặp gần đây nhất giữa 2 ông Abbas và Netanyahu hồi năm 2009, khoảng cách giữa hai bên về một loạt vấn đề, từ biên giới, an ninh, chủ quyền Jerusalem, quyền trở về của người tị nạn, sự công nhận lẫn nhau… hiện chỉ tăng chứ không giảm.
Vì thế, đài CNN nhận định một trong những thách thức lớn nhất mà ông Trump đối mặt chính là sự hoài nghi giữa giới lãnh đạo, người dân Israel và Palestine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) được Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Reuven Rivlin của Israel đón tiếp tại sân bay hôm 22-5 Ảnh: AP
Mất dần hào hứng
Chưa hết, tổng thống Mỹ còn phải xử lý một số rắc rối phát sinh trong quan hệ với Israel trong chuyến thăm lần này. Trước hết là thông tin ông Trump "tự tiện" chia sẻ với giới chức Nga những thông tin mật được Israel cung cấp về Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ngoài ra, theo Reuters, Israel lo ngại về thỏa thuận bán cho Ả Rập Saudi số vũ khí trị giá 110 tỉ USD được ông Trump công bố hôm 20-5. Ông Yuval Steinitz - Bộ trưởng Hạ tầng, Năng lượng và Nguồn nước Israel - gọi Ả Rập Saudi là "một quốc gia thù địch" nên thương vụ trên khiến họ không yên tâm.
Diễn biến trên cũng phần nào cho thấy sự hào hứng của người Israel dành cho đương kim tổng thống Mỹ không còn nhiều như trước. Khi ông Trump nhậm chức, theo trang McClatchy, dư luận Israel hy vọng một sự khởi đầu mới trong quan hệ với Mỹ sau những trục trặc thời ông Barack Obama, bị xem là ủng hộ người Palestine quá mức. Ông Netanyahu dĩ nhiên cũng vui hơn khi ông Trump vào Nhà Trắng. Thời ông Obama, quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Israel căng thẳng không chỉ vì vấn đề Israel - Palestine mà còn liên quan tới chuyện ngăn Iran phát triển bom hạt nhân. Việc ông Trump lên án Iran, có quan điểm cứng rắn với Phong trào Hezbollah (ở Lebanon) và Phong trào Hamas ở Dải Gaza trong bài phát biểu hôm 21-5 ở Ả Rập Saudi chắc chắn được hoan nghênh tại Israel.
Dù vậy, không ít người Israel lo ngại khi thấy ông Trump có lập trường cứng rắn hơn đối với vấn đề khu định cư Do Thái trong lúc không nói gì nhiều đến cam kết dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem được đưa ra khi tranh cử.
Một cuộc thăm dò gần đây của tờ Jerusalem Post phản ánh người Israel có cái nhìn khác về ông Trump: Chỉ 56% người được hỏi xem ông là nhân vật ủng hộ Israel, so với tỉ lệ 79% trước khi ông nhậm chức.
Ngoài ra, đã xuất hiện một số chỉ trích tại Israel về cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Abbas, dự kiến diễn ra tại TP Bethlehem ở Bờ Tây ngày 23-5. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp thứ hai giữa 2 nhà lãnh đạo này trong 3 tuần. Tại cuộc gặp trước đó tại Nhà Trắng hôm 3-5, ông Trump cũng khiến một số người Palestine thất vọng khi không công khai cam kết ủng hộ giải pháp 2 nhà nước cho cuộc xung đột.
Bài phát biểu gây tranh cãi
Một ngày trước khi đến Israel, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21-5 kêu gọi các nhà lãnh đạo Ả Rập và Hồi giáo đoàn kết để tiêu diệt các phần tử Hồi giáo cực đoan. Trước khoảng 50 nhà lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo ở thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi, ông Trump không sử dụng cụm từ "khủng bố Hồi giáo cực đoan" như mọi lần trong lúc cáo buộc Iran đóng vai trò là nguồn cung cấp tài chính và hỗ trợ các nhóm Hồi giáo.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif viết trên mạng Twitter rằng ông Trump đã "tấn công pháo đài dân chủ của Iran", đồng thời "mua chuộc" các nước Hồi giáo bằng những thỏa thuận trị giá hàng trăm tỉ USD. Trong khi đó, người phát ngôn của Phong trào Hamas (Palestine) Fawzi Barhoum - đang kiểm soát Dải Gaza - cho rằng cáo buộc của ông chủ Nhà Trắng là "vu khống, cản trở cuộc kháng chiến của người Palestine". Ông Barhoum khẳng định Hamas là một "phong trào giải phóng dân tộc" sau khi ông Trump liệt phong trào này vào danh sách khủng bố, bên cạnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới Al-Qaeda.
Các nhóm Hồi giáo người Mỹ dù hoan nghênh bài phát biểu của ông Trump nhưng cũng tỏ thái độ thận trọng. Giám đốc Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo Nihad Awad bình luận: "Bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Ả Rập Saudi dường như là nỗ lực hình thành giọng điệu mới và hiệu quả hơn trong mối quan hệ với thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, nó không thể làm lu mờ những luận điệu và đề xuất chính sách chống Hồi giáo nhiều năm qua, trong đó có sắc lệnh cấm nhập cảnh nhằm vào công dân đến từ một số nước có đa số dân là người Hồi giáo".
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)