Trong khuôn khổ chuyến thăm Ả Rập Saudi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu quan trọng trước khoảng 50 nhà lãnh đạo Hồi giáo và các nước Ả Rập ở Riyadh vào trưa 21-5 (giờ địa phương).
Kêu gọi hợp tác
Trong đó, Tổng thống Mỹ mời gọi thế giới Ả Rập cùng tham gia cuộc chiến với Mỹ chống lại chủ nghĩa quá khích và thế lực xấu xa trong khu vực. Đáng chú ý là sự kiện này xảy ra chỉ 2 tháng sau khi Tổng thống Trump ký các sắc lệnh tạm thời cấm người dân từ 6 quốc gia có đa số người Hồi giáo vào nước Mỹ.
Đài CNN cho biết cố vấn Stephen Miller là người soạn thảo bài phát biểu nói trên của Tổng thống Trump, cũng chính là người chấp bút lệnh cấm nhập cảnh gây nhiều tranh cãi. Bài diễn văn trên đã được giới thiệu là sự kiện lớn tương tự như bài phát biểu mang tính bước ngoặt trước thế giới Hồi giáo của cựu Tổng thống Barack Obama ở Cairo - Ai Cập năm 2009.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự họp với các nhà lãnh đạo Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, trong đó có Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz al-Saud (phải), ở Riyadh hôm 21-5 Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi không ở đây để giảng thuyết, để bảo ban người khác phải sống ra sao, làm gì hoặc trở thành con người như thế nào. Thay vì vậy, chúng tôi ở đây để đề nghị mối quan hệ đối tác trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp cho tất cả chúng ta" - hãng tin AP trích dẫn bài phát biểu của ông Trump.
Giới chuyên môn nhận định bài phát biểu của Tổng thống Mỹ nhằm xoa dịu thế giới Hồi giáo sau khi ông đã có những lời lẽ gay gắt về đạo Hồi. Trong giai đoạn tranh cử trước đó, ông Trump từng nêu lên ý tưởng giám sát các nhà thờ Hồi giáo ở Mỹ, đồng thời kêu gọi "cấm cửa hoàn toàn" người theo đạo Hồi vào Mỹ vì lý do an ninh.
Thỏa thuận vũ khí 110 tỉ USD
Điểm nhấn của điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên này của Tổng thống Trump được cho là bản thỏa thuận trị giá hơn 380 tỉ USD được ký kết giữa hai bên hôm 20-5, trong đó thỏa thuận về vũ khí gần 110 tỉ USD. "Đó là một ngày khác thường. Những khoản đầu tư to lớn ở Mỹ" - Tổng thống Trump khẳng định tại cuộc hội đàm cùng ngày với Quốc vương Ả Rập Saudi Salman.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh thỏa thuận vũ khí trên sẽ giúp Ả Rập Saudi đương đầu với "tầm ảnh hưởng hiểm ác của Iran" cũng như "mối đe dọa liên quan đến Iran vốn đang tồn tại ở mọi phía biên giới Ả Rập Saudi".
Kênh Al Jazeera nhận định thỏa thuận vũ khí giữa Mỹ và Ả Rập Saudi được đánh giá là "hai bên cùng có lợi", nhất là thỏa thuận này bao gồm số vũ khí mà ông Obama đã không sẵn sàng bán cho Ả Rập Saudi, trong đó có các hệ thống phòng thủ tên lửa. Qua đó, Nhà Trắng muốn thể hiện rằng họ cảm thấy cựu Tổng thống Obama "đã bỏ rơi" Ả Rập Saudi và khu vực này; Mỹ muốn cả thế giới biết rằng họ đang đưa mọi sự trở lại đúng quỹ đạo của nó.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với ông Tillerson, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir cho rằng 2 nước đã ký "bản tuyên bố tầm nhìn chiến lược chung", gọi đó là "ngày lịch sử trong mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Mỹ", đồng thời ông đoan chắc đây là bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Ả Rập Hồi giáo.
Theo ông Al-Jubeir, các thỏa thuận vừa ký kết sẽ tạo ra hàng trăm ngàn việc làm ở Mỹ và Ả Rập Saudi. Trong khi đó, theo đài Deutsche Welle (Đức), đối với Riyadh, chuyến thăm của Tổng thống Trump là cơ hội xây dựng lại mối quan hệ với nước đồng minh then chốt đã bị căng thẳng dưới thời ông Obama, người đã bị các nước Ả Rập ở vùng Vịnh theo dòng Sunni nghi ngờ nghiêng về Iran - đối thủ trong khu vực theo dòng Shiite.
Được đón tiếp nồng ấm hơn
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rõ ràng không có mặt trong chuyến thăm Ả Rập Saudi của đương kim Tổng thống Donald Trump song ông lại được truyền thông Mỹ nhắc tới nhiều lần.
Việc ông Trump gập người cúi đầu khi được Vua Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz al-Saud tặng huy chương vàng Vua Adullah, huy chương dân sự cao quý nhất tại quốc gia này, lập tức khiến dư luận Mỹ xôn xao bởi chính ông Trump từng chế nhạo động tác tương tự của người tiền nhiệm Obama trong cuộc gặp nhà vua của Ả Rập Saudi (khi đó là vua Abdullah) năm 2009. Ông Obama lúc bấy giờ gập người cúi đầu khi bắt tay vị lãnh đạo Ả Rập Saudi - hành động bị ông Trump chỉ trích là không khác gì "cầu xin" và cho thấy "sự yếu đuối". Một nguồn tin giấu tên từ phía các trợ lý của ông Obama từng giải thích với báo Politico rằng: "Đó không phải là cúi chào mà chỉ đơn giản là nắm tay nhà vua bằng hai tay, ông Obama lại cao hơn vua Ả Rập Saudi".
Chưa hết, trong khi ông Trump từng không tiếc lời chê trách bà Michelle Obama "xúc phạm" Ả Rập Saudi bằng việc không mang khăn trùm đầu khi cùng ông Obama thăm đất nước Hồi giáo này năm 2015, đệ nhất phu nhân Melania Trump và con gái Ivanka lại cũng không mang khăn trùm đầu khi tới Ả Rập Saudi hôm 20-5.
Tuy nhiên, về tổng thể, hãng tin Reuters cho rằng Tổng thống Trump đã được Vua Salman đón tiếp nồng ấm hơn so với chuyến thăm trước đó của người tiền nhiệm Obama.
Thu Hằng
Bình luận (0)