1. Tổng thống điều hành doanh nghiệp?
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times, ông Trump cho biết: “Luật pháp hoàn toàn đứng về phía tôi. Tổng thống không thể có xung đột lợi ích. Về lý thuyết, tôi có thể vẫn làm kinh doanh và điều hành đất nước một cách hoàn hảo”.
Việc ông Trump tiếp tục dẫn dắt đế chế kinh doanh gia đình khiến mọi người lo ngại nó sẽ gây ảnh hưởng tới các quyết định liên quan đến quốc gia.
Gần đây, ông tổ chức một cuộc họp tại Tháp Trump với 3 đối tác kinh doanh để thảo luận kế hoạch xây dựng một dự án ở phía Nam Mumbai - Ấn Độ. Tuần trước, khách sạn mới của ông ở thủ đô Washington, cách Nhà Trắng vài dãy nhà, cũng tiếp đón khoảng 100 nhà ngoại giao nước ngoài để quảng bá.
Giám đốc truyền thông của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Adam Hodge mỉa mai ông Trump định sử dụng Phòng Bầu dục để làm cho gia đình mình giàu có hơn, trái ngược những tuyên bố "hút cạn đầm lầy" ở Washington khi tranh cử.
2. Không truy tố bà Clinton
Về lập trường đối với bà Clinton khi tranh cử, trong một cuộc tranh luận, ông Trump từng đe dọa bỏ tù đối thủ Dân chủ. Tại các cuộc tuần hành cũng như trong hội nghị đảng Cộng hòa ở TP Cleveland, bang Ohio, ông Trump thường xuyên kêu gọi bắt giam bà Clinton.
Nhưng hôm 22-11, ông Trump bất ngờ đổi giọng. Ông nói: "Tôi không muốn làm tổn thương gia đình Clinton. Thực sự không muốn. Bà ấy đã trải qua rất nhiều chuyện và phải chịu đựng rất nhiều”. Ông còn gián tiếp phủ nhận việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra bà Clinton.
Tuy nhiên, theo The New York Times, quyết định của ông Trump nhiều khả năng sẽ không tác động tới quá trình điều tra của các thành viên đảng Cộng hòa khác, chẳng hạn như nghị sĩ Jason Chaffetz (bang Utah). Người này, trước đó là Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện Mỹ, tuyên bố sẽ tiếp tục xem xét bê bối sử dụng email cho công việc của bà Clinton.
3. Hạ giọng về biến đổi khí hậu
Ngoài 2 vấn đề trên, tổng thống Mỹ đắc cử tiếp tục thay đổi quan điểm về biến đổi khí hậu. Ông Trump tin rằng có một số mối liên kết giữa giữa hoạt động của con người và sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Năm 2012, ông bác bỏ ý tưởng đó và đổ lỗi cho Trung Quốc vẽ ra khái niệm nóng lên toàn cầu để cạnh tranh không lành mạnh với Mỹ trong sản xuất.
Khi được hỏi liệu ông sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, ông Trump nói mình đang giữ một cái nhìn thoáng hơn dành cho hiệp định này. Thỏa thuận được đàm phán bởi gần 200 quốc gia hồi năm 2015 nhắm tiến đến mục tiêu giảm khí thải nhà kính trên phạm vi toàn cầu.
Đã nhiều lần, ông Trump lên án hiệp định tác động xấu tới các doanh nghiệp Mỹ. Hồi tháng 5, ông lặp lại quan điểm hủy bỏ thỏa thuận khí hậu Paris và ngăn chặn tất cả các khoản thanh toán thuế của Mỹ dành cho chương trình nóng lên toàn cầu của Liên Hiệp Quốc trong 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng.
4. Không tra tấn bằng trấn nước
Cuối cùng, trong cuộc phỏng vấn của The New York Times, ông Trump hạ giọng về cách đối xử với nghi can khủng bố. Trong chiến dịch tranh cử, ông nói sẽ phục hồi hình thức tra tấn trấn nước. Nhưng hôm 22-11, ông Trump cho biết có thể sẽ thay đổi quan điểm này sau khi tham vấn một ứng cử viên hàng đầu cho chức bộ trưởng quốc phòng, tướng thủy quân lục chiến về hưu James N. Mattis, người từng đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ.
Tướng Mattis cho rằng các kỹ thuật thẩm vấn khắc nghiệt không mang lại lợi ích. Ông Trump sau đó thừa nhận “rất ấn tượng với câu nói đó”.
Tổng thống Mỹ đắc cử cũng bảo vệ ông Stephen K. Bannon, người dự kiến được bổ nhiệm vào chức chiến lược gia trưởng của ông tại Nhà Trắng. Ông Bannon dính cáo buộc phân biệt chủng tộc và bài Do Thái.
Trong khi đó, ông Trump không giấu ý định cất nhắc con rể Jared Kushner làm đặc phái viên đàm phán hòa bình tại Trung Đông.
Bình luận (0)