Peter Higgs sinh năm 1929 ở Newcastle, Anh Quốc. Cha ông là một kỹ sư âm thanh của đài BBC. Khi gia đình chuyển đến Bristol, ông đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc của trường phổ thông Cotham Grammar, người đã đoạt nhiều giải thưởng, chỉ trừ môn vật lý.
Một người vô tích sự!
Nhưng rồi một ngày, trong thời gian đang xảy ra thế chiến thứ II, đang ngồi dự một cuộc họp chán ngắt, ông chợt nhìn thấy một cái tên nổi tiếng trên bảng danh dự ghi tên các cựu học sinh của trường: nhà vật lý đoạt giải Nobel Paul Dirac. Từ đó, ông đã hăm hở nghiên cứu về Dirac và các vấn đề của vật lý vào thời điểm đó. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Higgs theo học vật lý tại King’s College London, một trường danh giá của Anh Quốc và chọn nghiên cứu về lý thuyết mới nhất lúc đó.
Một bạn học cùng thời là Michael Fisher - giờ là giáo sư tại Đại học Maryland - nhớ rằng Higgs đã xuất sắc ngay trong kỳ thi đầu tiên về môn học này: “Như tôi nhớ thì ông phải giải một bài toán về cơ học lượng tử. Bài toán này dựa theo một bài báo mới được công bố lúc đó... và ông đã giải bài toán đó còn hay hơn so với bản gốc bài báo khoa học mà tác giả đã thực hiện, chỉ trong có 3 giờ.” Higgs tốt nghiệp thủ khoa vào năm 1950. Ông đã nộp đơn xin làm giảng viên tại King’s College nhưng bạn của ông là Michael Fisher mới là người được nhận. Sau đó, Higgs sang làm việc ở Scotland.
Giáo sư Peter Higgs trong lễ khánh thành Trung tâm Khoa học Dirac-Higgs tại Trường THPT Cotham, nơi ông và Paul Dirac từng học
Là một nhà nghiên cứu 31 tuổi ở Đại học Edinburgh, ông bị coi là vô tích sự bởi vì ông chọn nghiên cứu một vấn đề được xem là vớ vẩn. Đó là một loại vật lý mà mọi người nghĩ rằng sẽ chẳng đi được tới đâu.
Nhưng ông cả quyết: “Không, các bạn chưa hiểu nó như tôi hiểu và tôi nghĩ rằng nó có một cái gì đó và rất đáng để theo đuổi”. Sẽ thật buồn nếu không theo đuổi nó - và hầu như là chỉ một mình ông đơn độc làm việc đó, nhất là ở Vương quốc Anh - ông sẽ không có lý thuyết của mình và chúng ta sẽ chẳng bao giờ được nghe nói về ông.
Khoảnh khắc đầy cảm hứng
Và rồi vào năm 1964, trong một khoảnh khắc đầy cảm hứng khi đi bộ trên dãy Cairngorms, ông đã viết hai bài báo về hạt Higgs. Bài thứ hai ban đầu đã bị tạp chí Physics Letters từ chối, đã từng làm ông khó chịu. Sau đó, ông nói rõ ràng là họ không hiểu ông nhưng rồi cuối cùng bài báo cũng được công bố không lâu sau đó trên Physical Review Letters, một tạp chí hàng đầu khác.
Sau đó, ông trở nên nổi tiếng. Vốn là người sống lặng lẽ và khiêm tốn, ông thường bối rối khi được mọi người ca ngợi và khá lúng túng khi mà người ta gọi cái hạt boson mà ông tiên đoán là hạt Higgs theo tên ông. Trong lần thuyết trình gần đây tại Trường Đại học Oxford, ông đã đặt cho bài nói chuyện của mình một cái tên khá thú vị: “Đời tôi là một boson”.
Vẫn sống khắc khổ
Bên ngoài giới khoa học, Peter Higgs ít được biết tới. Trong 20 năm sau đó, ông tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu nhưng có những khó khăn trong cả đời sống chuyên môn cũng như riêng tư.
Ông lấy vợ và có 2 con trai, rồi vợ chồng ông chia tay. Ông về hưu năm 2006 nhưng vẫn tiếp tục theo dõi sát sao công cuộc tìm kiếm cái hạt boson - con đẻ của ông, đặc biệt là các thí nghiệm đang tiến hành tại máy gia tốc LHC ở Geneva, Thụy Sĩ. Giờ đây, nhà vật lý 83 tuổi sống không TV, không máy tính, hiếm khi trả lời điện thoại, mặc dù ông vẫn cập nhật thông tin thông qua các tạp chí vật lý mới nhất.
Thực ra, không chỉ có Peter Higgs tiên đoán sự tồn tại “hạt của chúa” vào năm 1964. Ngoài ông ra còn có 5 nhà vật lý khác đã độc lập công bố những lý thuyết tương tự cũng vào khoảng thời gian ấy. Hai người đầu tiên công bố vào tháng 8-1964 là Robert Brout (vừa qua đời năm 2011) và François Englert thuộc Đại học Tự do Brussels.
Người thứ ba công bố là Peter Higgs. Ông công bố 2 bài báo quan trọng vào tháng 9 và 10 năm đó. Trong bài báo thứ hai, ông là người đầu tiên nói một cách rõ ràng lý thuyết đòi hỏi một hạt mới về bản chất, mà sau này, vào năm 1972, người ta gọi là boson Higgs. Tạo ra sự chú ý tới một hạt như vậy là rất quan trọng, bởi vì nó cho các nhà khoa học một cái gì đó cụ thể để săn tìm. Lần công bố tiếp theo là của nhóm gồm 3 nhà vật lý, trong đó có 2 người Mỹ là Dick Hagen, Gerry Guralnik và 1 người Anh là Tom Kibble vào tháng 11-1964. Cả ba nhóm đều làm việc hoàn toàn độc lập.
Ba bài báo viết vào năm 1964 đã được công nhận là cái mốc quan trọng trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của tạp chí Physical Review Letters. Sáu tác giả của chúng, vào năm 2010, cũng đã được trao tặng giải thưởng Vật lý Lý thuyết hạt JJ Sakurai cho các công trình này.
Khởi đầu kỷ nguyên mới của vật lý hạt
Các nhà khoa học đã tìm kiếm hạt Higgs ngay từ cuối những năm 1960 nhưng quyết liệt nhất là cách đây hơn 20 năm với các thí nghiệm ban đầu tại CERN ở châu Âu và Fermilab ở Mỹ.
Liệu việc tìm thấy boson Higgs có đánh dấu sự kết thúc của công cuộc tìm kiếm? Đây chỉ là kết thúc của sự bắt đầu. Xác nhận sự tồn tại của hạt Higgs chỉ là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới của vật lý hạt, bởi vì các nhà khoa học sẽ tập trung vào tìm hiểu cách nó hoạt động và tìm kiếm những hiện tượng bất ngờ.
Hội nghị đầu tiên về hạt Higgs ở châu Á, cũng là hội nghị lần thứ 2 trên thế giới về đề tài này, đang được tổ chức tại TP Quy Nhơn - Bình Định từ ngày 16 đến 21-7-2012. Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam) do giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư Nguyễn Văn Hiệu sáng lập từ năm 1993. Có 120 giáo sư, nhà nghiên cứu về vật lý hạt và thiên văn ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. |
Kỳ tới: Cuộc săn tìm hạt Higgs
Bình luận (0)