Kênh truyền hình YTN (Hàn Quốc) đưa tin phái đoàn hậu cần Triều Tiên đến Seoul vào sáng sớm 21-1 và lên tàu đến huyện Pyeongchang, nơi sẽ diễn ra Thế vận hội Mùa đông từ ngày 9 đến ngày 25-2.
Theo lịch trình ban đầu, phái đoàn hậu cần gồm 7 quan chức Triều Tiên sẽ đến Hàn Quốc vào ngày 20-1 để kiểm tra các địa điểm biểu diễn nghệ thuật trong suốt kỳ Thế vận hội Mùa đông. Tuy nhiên, phía Triều Tiên đã bất ngờ hủy lịch trình mà không giải thích. Vụ việc làm dấy lên lo ngại rằng Triều Tiên bỏ ý định tham gia Thế vận hội Mùa đông.
Giới chức liên Triều sau đó đã sử dụng đường dây nóng biên giới để sắp xếp lại lịch trình viếng thăm.
Xe buýt chở phái đoàn Triều Tiên đi qua Cầu Thống nhất trong lúc cảnh sát Hàn Quốc làm nhiệm vụ ở TP Paju - Hàn Quốc. Ảnh: AP
Việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội Mùa đông được xem là một tín hiệu tích cực trong việc giải quyết bế tắc ngoại giao liên Triều sau những căng thẳng liên quan đến chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Triều Tiên và Hàn Quốc đã liên lạc với nhau kể từ tuần trước – lần đầu tiên trong suốt hơn 2 năm - về Thế vận hội Mùa đông.
Trước đó, vào hôm 17-1, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đồng ý diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2018 diễn ra vào ngày 9-2.
Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) hôm 20-1 xác nhận Triều Tiên sẽ cử 22 vận động viên tranh tài ở 3 môn thể thao, bao gồm trượt băng nghệ thuật, trượt tuyết và khúc côn cầu trên bằng dành cho nữ.
Triều Tiên từng tuyên bố sẽ cử phái đoàn 550 thành viên tham dự Thế vận hội Mùa đông cùng với 230 hoạt náo viên cổ động cho vận động viên liên Triều. Một phái đoàn 150 thành viên khác, bao gồm cổ động viên, vận động viên, nhà báo…cũng sẽ được cử tham dự Thế vận hội Mùa đông dành cho người khuyết tật vào tháng 3 tới tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Thể thao Triều Tiên Kim Il Guk (trái) bắt tay cùng Chủ tịch IOC Thomas Bach (giữa) và Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Do Jong-hwan. Ảnh: EPA
Cùng ngày, giới chức Thế vận hội và chính phủ cùng với các bộ trưởng thể thao đã có cuộc họp tại trụ sở IOC tại Thụy Sĩ.
IOC cũng đã chấp thuận nguyện vọng hợp nhất đội khúc côn cầu nữ của Triều Tiên và Hàn Quốc – một động thái được đánh giá lá có ý nghĩa về mặt chính trị.
Ở một diễn biến khác các quan chức ngoại giao Nga và Mỹ nhiều khả năng sẽ tiến hành vòng đàm phán mới liên quan đến vấn đề Triều Tiên ở Moscow, hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov cho biết hôm 20-1.
Hiện vẫn chưa có quyết định về thời gian đàm phán.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov. Ảnh: TASS
Cũng theo ông Morgulov, một phái đoàn Triều Tiên có thể viếng thăm Moscow trước khi Thế vận hội Mùa đông diễn ra.
Ông Morgulov còn cho biết thêm rằng ông đã gửi lời mời tham dự đàm phán đến Đặc sứ viên của Mỹ về Chính sách Triều Tiên Joseph Yun.
Các cuộc đàm phán về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đang diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Moscow hỗ trợ Bình Nhưỡng đối phó với các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Nga đã phủ nhận cáo buộc này.
Bình luận (0)