Nhiều chuyên gia Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) - được thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
3 điểm nổi bật
Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Ngoại giao, đánh giá về cơ bản, những vấn đề Philippines nêu trong đơn kiện mà PCA xác định có thẩm quyền xử lý đều “thắng lợi”, ngoài một điểm là tòa không đồng ý về quy chế pháp lý, không công nhận vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đối với các đá mà nước này liệt kê.
Theo ông Thái, phán quyết này có 3 điểm nổi bật. Thứ nhất, tòa bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, xác định nó không có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong nó. Thứ hai, đây là lần đầu tiên PCA đưa ra bộ quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển. Thứ ba, tòa cũng khẳng định những việc gây hại đối với môi trường, làm gia tăng tranh chấp và tính phi pháp trong nhiều hành động của Trung Quốc.
Ông Thái nhận định phán quyết này góp phần thu hẹp đáng kể diện tích và phạm vi tranh chấp ở biển Đông. Trong đó, đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vẽ cho cả Trường Sa với tư cách là một thực thể cũng bị bác bỏ.
Đánh giá phán quyết của PCA là đầy đủ, khách quan, khoa học và nghiêm túc, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, cho rằng niềm tin đối với hệ thống luật pháp và các định chế quốc tế đã được củng cố. Linh hồn của phán quyết là bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với vùng nước bị bao chiếm trong “đường 9 đoạn” cũng như yêu sách phi lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phán quyết cũng gián tiếp khẳng định hành động bồi đắp các đảo đá chìm ở Trường Sa, quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc đã vi phạm hàng loạt điều ước quốc tế, vi phạm trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Ảnh: Dương Ngọc
“Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố có cơ sở pháp lý không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển trong phạm vi “đường 9 đoạn”. Đây là lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có tư cách pháp nhân phản bác quan điểm của Trung Quốc, giúp thế giới hiểu rõ bản chất của Trung Quốc lẫn cuộc tranh chấp ở biển Đông” - tướng Cương nhìn nhận.
Phù hợp quan điểm của Việt Nam
Ông Trần Việt Thái đánh giá dù phán quyết là một bước tiến quan trọng về mặt pháp lý nhưng tình hình biển Đông thời gian tới phụ thuộc nhiều yếu tố, trước hết là phản ứng của Trung Quốc trên thực địa; sau là cách Philippines sử dụng chiến thắng này như thế nào, đặc biệt là đối với Trung Quốc; cuối cùng là sự chi phối của các nhân tố bên ngoài khu vực vào cục diện biển Đông.
Đối với Việt Nam, ông Trần Việt Thái nhận định phần lớn kết quả phán quyết phù hợp cơ bản với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi PCA vào ngày 5-12-2014. Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, sau phán quyết của PCA, Việt Nam chắc chắn có lợi về ngoại giao, có công cụ pháp lý và sẽ nhận thêm nhiều sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 12-7 cho biết Việt Nam hoan nghênh việc PCA đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông. Trên tinh thần Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao gửi PCA, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực…
“Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS cũng như tất cả quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc Hoàng Sa và Trường Sa” - ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)