Bộ trưởng Ngoại giao Solomon Jeremiah Manele ngày 4-10 cho biết quốc đảo này đã không nhất trí bản dự thảo đầu tiên về tuyên bố quan hệ đối tác Mỹ - Thái Bình Dương được ký kết tại Washington - Mỹ vào tuần trước. Theo ông Jeremiah Manele, dự thảo này lúc đầu bao gồm tài liệu tham khảo đề cập gián tiếp đến Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon nói với hãng tin AP: "Trong dự thảo ban đầu, có một số tài liệu tham khảo mà chúng tôi thấy không phù hợp. Một số tài liệu tham khảo đặt chúng tôi vào vị trí phải chọn bên và chúng tôi không muốn bị đặt vào hoàn cảnh đó".
Khi được hỏi liệu những tài liệu tham khảo đó có liên quan đến Trung Quốc không, ông Jeremiah Manele nói rằng liên quan "một cách gián tiếp".
Bộ trưởng Ngoại giao Solomon Jeremiah Manele phát biểu ở Wellington - New Zealand ngày 4-10. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, phát biểu của ông Jeremiah Manele cho thấy lần đầu tiên Quần đảo Solomon công khai thừa nhận có những lo ngại ban đầu về tuyên bố quan hệ đối tác Mỹ - Thái Bình Dương. Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare từng tiết lộ các cuộc đàm phán đã giải quyết các mối quan ngại của ông theo chiều hướng tích cực.
Tuần trước, Mỹ và 14 đảo quốc ở Thái Bình Dương gặp nhau tại Washington. Tại cuộc gặp, các bên đã tìm thấy điểm chung, quần đảo Solomon và các nước khác đã ký vào bản tuyên bố chung, với cam kết tăng cường sự hiện diện và hợp tác hơn trong khu vực từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, trước hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương ngày 29-9, các nhà ngoại giao cho biết Quần đảo Solomon báo hiệu rằng không có khả năng sẽ ký vào tuyên bố chung. Và điều này sẽ là trở ngại ngoại giao đối với cả Mỹ và các quốc gia Thái Bình Dương.
Quần đảo Solomon chỉ đồng ý với tuyên bố chung về đối tác Mỹ - Thái Bình Dương sau khi các tài liệu tham khảo đề cập gián tiếp đến Trung Quốc bị xóa bỏ.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương cuối tháng 9. Ảnh: AP
Ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 810 triệu USD cho các đảo ở Thái Bình Dương, đồng thời ký tuyên bố chung với cam kết quan hệ đối tác chặt chẽ hơn giữa Washington và Thái Bình Dương.
Mỹ được xem là nhân tố đóng vai trò chủ chốt ở Nam Thái Bình Dương kể từ sau chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã khẳng định vị thế của mình một cách mạnh mẽ thông qua đầu tư, đào tạo cảnh sát và gây tranh cãi nhất là hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon.
Ông Jeremiah Manele nhắc lại quan điểm của Solomon, nói rằng hiệp ước an ninh của nước này với Bắc Kinh (được ký kết vào tháng 4) sẽ không dẫn đến việc Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự ở đảo quốc này.
Ông Jeremiah Manele tuyên bố: "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là một khu vực đối đầu, xung đột, chiến tranh. Không có điều khoản nào về căn cứ quân sự trong thỏa thuận đó. Chúng tôi hoan nghênh việc Mỹ tái can dự vào Thái Bình Dương và chúng tôi mong muốn được hợp tác với mọi đối tác".
Bình luận (0)