Dù trước đó, phía các quan chức Quần đảo Solomon cho rằng chưa có thỏa thuận nào được ký kết. Ông Douglas Ete, Chủ tịch Viện Thẩm Kế của Quốc hội Solomon, cho hay các quan chức Trung Quốc sẽ đến đảo vào giữa tháng 5 để ký hiệp ước hợp tác. Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare nói với Quốc hội rằng thỏa thuận an ninh được đề xuất sẽ không bao gồm căn cứ quân sự của Trung Quốc.
Ông Ete cho biết thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác về thương mại, giáo dục và thủy sản nhưng phản đối ý tưởng cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự.
Những đứa trẻ câu cá tại một bãi biển ở trung tâm Honiara - Quần đảo Solomon. Ảnh: Reuters
Nhà Trắng dự kiến cử một phái đoàn cấp cao tới thủ đô Honiara của Solomons trong tuần này để thảo luận về các quan ngại, cũng như việc mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Solomon sau 29 năm. Phía Mỹ cho biết họ lo ngại về "sự thiếu minh bạch và bản chất không xác định" của hiệp ước.
Trong khi đó, các quan chức Úc cho biết Trung Quốc dường như có động thái "thị uy" trước sự xuất hiện của phái đoàn Mỹ ở Honiara. Hôm 19-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Quần đảo Solomon Jeremiah Manele đã ký hiệp ước an ninh nhưng không đưa ra thời gian và địa điểm diễn ra buổi ký kết.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) Adrienne Watson cho rằng Trung Quốc trước đó đã đưa ra các thỏa thuận mơ hồ, ít tham vấn các nước khu vực về lĩnh vực đánh bắt cá, quản lý tài nguyên, hỗ trợ phát triển và bây giờ là an ninh.
NSC nhấn mạnh Mỹ sẽ tăng cường can dự trong khu vực để đối phó với các thách thức của thế kỷ 21, từ an ninh hàng hải và phát triển kinh tế đến khủng hoảng khí hậu và dịch Covid-19.
Về phần mình, Trung Quốc xác nhận việc ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình ổn định và gọi các phản ứng Mỹ liên quan vụ việc là sự phóng đại căng thẳng và kích động đối đầu. Ông Uông nói rằng những nỗ lực cố ý làm tăng căng thẳng và kích động cũng sẽ thất bại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: FMPRC
Trong khi đó, Canberra lo ngại hiệp ước này có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc cách bờ biển của Úc chưa tới 2.000 km. Bộ trưởng ngoại giao Úc Marise Payne cho biết Canberra vô cùng thất vọng và muốn biết thêm chi tiết về các điều khoản trong thỏa thuận.
Bà Payne cũng bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch và cho rằng hiệp ước có "khả năng làm suy yếu sự ổn định trong khu vực".
Bình luận (0)