Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra sáng kiến trên, đồng thời nói thêm Bắc Kinh muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong lĩnh vực này.
Cụ thể, sáng kiến kêu gọi các công ty công nghệ ngăn chặn hình thành cái gọi là cửa hậu trong sản phẩm và dịch vụ mình, từ đó có thể cho phép thu thập dữ liệu trái phép.
Sáng kiến còn kêu gọi các bên tham gia tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán và quyền quản lý dữ liệu của các quốc gia khác, cũng như không dính líu đến hoạt động giám sát quy mô lớn nhằm vào nước khác hoặc thu thập bất hợp pháp thông tin của công dân nước ngoài thông qua công nghệ thông tin.
Huawei là một trong những công ty công nghệ Trung Quốc đang bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Ảnh: Reuters
"Các quy định bảo mật dữ liệu toàn cầu phản ánh nguyện vọng của tất cả quốc gia và tôn trọng lợi ích của tất cả các bên cần được thiết lập dựa trên cơ sở tất cả các bên tham gia. Một số quốc gia riêng lẻ đang theo đuổi mạnh mẽ chủ nghĩa đơn phương, vấy nước bẩn vào nước khác với cái cớ ‘sạch sẽ ’ và tiến hành các cuộc săn lùng toàn cầu nhằm vào các công ty hàng đầu của các quốc gia khác với lý do an ninh. Đây là hành động bắt nạt trắng trợn, cần phải bị phản đối và bác bỏ " - ông Vương cho biết.
Tuy nhiên, ông Vương không nói rõ bản chất của sáng kiến hoặc liệu có quốc gia nào tham gia hay chưa. Trước mắt, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tiếp cận chính phủ một số nước để tìm kiếm sự ủng hộ đối với sáng kiến mới, còn được xem là một động thái nhằm chống lại nỗ lực của Mỹ trong việc thuyết phục các nước không sử dụng công nghệ Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những tháng gần đây đã thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc, lấy lý do lo ngại về "an ninh quốc gia". Washington cũng triển khai sáng kiến "Mạng Sạch" để loại trừ các công ty công nghệ Trung Quốc bị xem là mối đe dọa đến an ninh quốc gia.
Mỹ đã cấm xuất khẩu linh kiện và thiết bị cho Huawei, cũng như có kế hoạch cấm TikTok hoạt động ở Mỹ trong tháng này nếu công ty mẹ ByteDance không bán chi nhánh tại Mỹ của dịch vụ này.
Bình luận (0)