Khối Liên minh châu Âu (EU) đã đầu tư 3,7 tỉ USD cho các nghiên cứu công nghệ an ninh sau cuộc khủng hoảng tị nạn hồi 2015-2016, khi hơn 1 triệu người đổ về Hy Lạp và những quốc gia EU khác.
Mạng lưới giám sát tự động, gồm hàng loạt rào cản vật lý và công nghệ kỹ thuật số, đang được xây dựng tại biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phát hiện người di cư sớm và ngăn họ vượt biên trái phép. Ông Dimonsthenis Kamargios, một quan chức phụ trách an ninh biên giới châu Âu, tiết lộ với hãng tin AP rằng những thành phần chính của mạng lưới trên sẽ được triển khai vào cuối năm nay.
Ảnh chụp bên trong trung tâm điều hành gần biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 21-5. Ảnh: AP
Giới nghiên cứu tại các trường đại học trên khắp châu Âu đã hợp tác với các công ty tư nhân để phát triển công nghệ giám sát và xác minh thế hệ mới, như máy quét lòng bàn tay phục vụ nhận dạng sinh trắc học.
Họ cũng đã thử nghiệm hàng chục dự án tại biên giới Hy Lạp, bao gồm máy phát hiện nói dối dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) bên cạnh nỗ lực tích hợp dữ liệu vệ tinh với phim ảnh thu được từ phương tiện không người lái trên mặt đất, trên không, trên biển và dưới nước. Việc thử nghiệm cũng đã được tiến hành ở Hungary, Latvia và những khu vực phía Đông của EU.
Không phải chương trình thử nghiệm nào cũng được đưa vào hệ thống giám sát mới. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền cho rằng mạng lưới công nghệ hiện đại như trên sẽ khiến hành trình chạy trốn chiến tranh và cực khổ của người tị nạn thêm muôn vàn khó khăn.
Dòng người di cư đã chậm lại ở nhiều khu vực châu Âu trong khủng hoảng Covid-19. Chẳng hạn tại Hy Lạp, lượng người di cư đến đây đã giảm đến 78%, từ gần 75.000 người trong năm 2019 xuống còn 15.700 người trong năm 2020.
Tuy nhiên, sức ép chắc chắn sẽ trở lại. Mới đây, vào đầu tháng này, hàng ngàn người di cư từ Morocco đã đổ về Ceuta (vùng lãnh thổ thuộc Tây Ban Nha nằm bên bờ biển Bắc Phi) trong một ngày, buộc Tây Ban Nha triển khai quân đội.
Bình luận (0)