Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Facebook, tổ chức từ thiện Giúp đỡ Người tị nạn Anh (HRUK) thông báo họ cảm thấy vô cùng sốc khi phát hiện ít nhất 129 trẻ di cư không có người lớn đi kèm đã biến mất hồi tháng trước ở trại Calais.
Khu vực phía Nam của trại tị nạn này bị san bằng hồi đầu tháng 3. Những người di cư sống trong khu trại đã đụng độ với cảnh sát nhằm bảo vệ nơi cư trú. Tuy nhiên, một số phần còn lại của trại Calais hiện đã bị tháo dỡ.
Theo cáo buộc từ HRUK, chính phủ Pháp không cung cấp nơi ở tái định cư cho trẻ em không có người giám hộ trong quá trình trục xuất họ. Nhà chức trách cũng không đánh giá đúng nhu cầu của người tị nạn, không giám sát và bảo vệ họ dẫn đến sự biến mất của 129 đứa trẻ.
Cuộc điều tra của HRUK tiết lộ có tổng cộng 4.432 người lớn và 514 trẻ em, bao gồm 294 trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm, vẫn sống ở Calais. Khoảng 1.000 người trưởng thành sống trong các container do chính phủ cung cấp. Còn lại 3.376 người tị nạn sống trong lều và chòi tạm.
Mô tả phương pháp của Paris là “không thể chấp nhận được”, HRUK yêu cầu chăm sóc tốt hơn cho 294 trẻ vị thành niên không có người giám hộ. Độ tuổi của những đứa trẻ này trung bình khoảng 14 tuổi. Trong đó, em nhỏ nhất chỉ mới 8 tuổi.
Hồi tháng trước, 7 thiếu niên ở Calais tuổi từ 14-16 được cho là bị cưỡng hiếp trong vòng 6 tháng qua. Nhân viên cứu trợ cho biết 4 em phải trải qua phẫu thuật sau khi bị tấn công tình dục.
HRUK cho biết Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) thống kê được hơn 10.000 trẻ tị nạn đã mất tích ở châu Âu kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng di cư. Vì vậy, Pháp cần làm tất cả trong khả năng để trẻ di cư ở Calais và Dunkirk không góp phần làm gia tăng con số này.
Trong một diễn biến liên quan, những người di cư đầu tiên bị gửi trở về từ đảo Lesbos – Hy Lạp bắt đầu đến Thổ Nhĩ Kỳ hôm 4-4. Đây là thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đóng cửa tuyến đường nơi khoảng 1 triệu người di cư đã băng qua biển Aegean để tới Hy Lạp hồi năm ngoái.
Theo đó, Ankara sẽ tiếp nhận tất cả người di cư và tị nạn vào Hy Lạp bất hợp pháp. Đổi lại, EU phải cưu mang hàng ngàn người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ và tái định cư cho họ, dựa trên hình thức trao đổi “1 lấy 1”.
Hai tàu chở khách treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ sáng 4-4 chở 131 người di cư đến TP Dikili. Đi kèm là 2 tàu bảo vệ bờ biển cùng 1 trực thăng cảnh sát. Một quan chức bảo vệ bờ biển trên đảo Chios của Hy Lạp nói với Reuters rằng tàu thứ ba sẽ vận chuyển 66 người, chủ yếu đến từ Afghanistan, tới Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 4-4.
Mục đích của thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khuyến cáo người nhập cư không sử dụng các cửa ngõ nguy hiểm để phá vỡ mạng lưới buôn lậu vốn châm ngòi cho làn sóng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Bình luận (0)