Tăng tuổi hưu là vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở Pháp. Tuy nhiên, trước khi công bố kế hoạch này chiều 10-1 (giờ địa phương), chính phủ Pháp khẳng định phải cải cách để tránh thâm hụt tài chính dai dẳng.
Hãng tin Bloomberg nhận định đây là thời điểm then chốt trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Macron, có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến mong muốn cải tổ Pháp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp mà ông theo đuổi.
Kinh tế Pháp đang ở ngã rẽ khó khăn và có thể đã tăng trưởng âm vào cuối năm ngoái do giá năng lượng leo thang và lạm phát kỷ lục. Tài chính công cũng eo hẹp sau những khoản chi tiêu khổng lồ suốt đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng.
Một cuộc biểu tình yêu cầu giảm tuổi nghỉ hưu xuống còn 60 tuổi ở Nice - Pháp hồi tháng 9-2022 Ảnh: REUTERS
Nếu không cải tổ, chỉ riêng hệ thống hưu trí có thể lập kỷ lục thâm hụt hằng năm, lên đến tối đa là 0,8% sản lượng kinh tế hằng năm trong 10 năm tới, theo Hội đồng Tư vấn lương hưu Pháp. Chưa kể, Pháp đang muốn đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghiệp và chuyển đổi năng lượng xanh.
Về phía các nghiệp đoàn, họ cho rằng có nhiều giải pháp khác để tái cân bằng ngân sách, bao gồm khuyến khích và bắt buộc các doanh nghiệp Pháp giữ lại những người lao động lớn tuổi hơn.
Trong cuộc khảo sát ngày 4-1 của Công ty Elabe, 47% trong số 10.005 người được hỏi đồng tình với các nghiệp đoàn - tức muốn duy trì tuổi nghỉ hưu là 62 - và 25% khác thậm chí muốn hạ thấp độ tuổi này.
Đối với các nghiệp đoàn, tăng tuổi nghỉ hưu lên 64 hay 65 (như ý định ban đầu của Tổng thống Macron) cũng như nhau. Nhưng con số chênh lệch 1 năm này lại có thể thuyết phục Đảng Cộng hòa (LR) bảo thủ. Do Tổng thống Macron mất thế đa số tuyệt đối tại quốc hội vào năm ngoái nên ông cần sự ủng hộ của LR để thông qua cải cách trên, theo Reuters.
Người đứng đầu LR, ông Eric Ciotti, tuyên bố sẽ ủng hộ cải cách, với điều kiện chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đến 64 và tăng lương hưu tối thiểu - lên mức 1.200 euro/tháng - cho tất cả chứ không chỉ những người mới về hưu.
Bình luận (0)