Theo truyền thông Pháp, nước này sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cử tàu chiến qua biển Đông và lên kế hoạch tập trận không quân nhằm giúp chống lại các hoạt động xây dựng sai trái của Trung Quốc tại khu vực.
Báo Philstar của Philippines cho rằng với sự giữ vững cam kết nâng cao tự do hàng hải tại biển Đông, Pháp có thể dẫn đầu các nước châu Âu khác trong nỗ lực đứng lên chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Hồi cuối tháng 5, tàu chiến Pháp Dixmude và một tàu khu trục của Pháp đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), chống lại các tuyên bố sai trái của Bắc Kinh trên phần lớn vùng biển Đông giàu có tài nguyên.
Tàu Dixmude - một trong những tàu lớn nhất của Hải quân Pháp với lượng giãn nước 21.500 tấn, dài 200m, rộng 32m và chiều cao tối đa 48m. Tàu có chức năng như một bộ chỉ huy trên biển. Ảnh: Defpost
Sĩ quan chỉ huy tàu Dixmude, Jean Porcher, cho biết "Hoạt động tuần tra của chúng tôi bao gồm việc đi qua các đảo nhân tạo nhằm thu thập các dữ liệu tình báo bằng hệ thống cảm biến".
Ông Jonas Parello-Plesner - một chuyên gia quân sự từ viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) có mặt trên tàu của Pháp đã viết trên tờ Wall Street Journal rằng một vài tàu khu trục và tàu hộ tống của Trung Quốc đã "bám đuôi" các chiến hạm của Pháp.
Theo lời kể của vị chuyên gia, phía tàu chiến Pháp đối đáp một cách lịch sự và ngắn gọn khi bị tàu Trung Quốc phát radio hỏi han tại khu vực Trường Sa.
Ông Plesner cho biết thêm tàu Trung Quốc "bám đuổi sát" tàu chiến Pháp khi đi qua các đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi.
Trên tàu chiến Pháp lúc bấy giờ có một biệt đội trực thăng từ Anh và các quan sát viên châu Âu – trong đó có Đức.
Theo lời chỉ huy Porcher, tàu chiến của Pháp vẫn giữ liên lạc thông qua sóng vô tuyến với tàu chiến của Trung Quốc "từ khi đang ở trong khu vực cho đến khi chúng tôi rời đi".
Pháp bắt đầu tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông từ năm 2014.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đẩy mạnh xây dựng quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Úc và ông dường như đang đánh giá một cách thực tế thách thức ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đây được coi là sự thay đổi lớn so với những người tiền nhiệm của ông Macron khi những tổng thống trước đó của Pháp đề cao hơn những cơ hội đầu tư và kinh doanh với Trung Quốc.
Theo đánh giá của ông Plesner, Pháp đang thúc đẩy các nước châu Âu khác hành động vì tự do hàng hải.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Shangri-La vừa rồi tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh rằng nước này sẽ tiếp tục tiến hành các sứ mệnh ở các vùng biển tranh chấp, cùng với Anh và Đức.
Ít nhất 5 tàu của Pháp đã đi qua biển Đông trong năm ngoái.
Bình luận (0)