Việc bao vây Manbij bắt đầu từ tuần trước với sự hỗ trợ từ không quân và các lực lượng đặc biệt Mỹ để phong tỏa khu vực gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, phía Tây của sông Euphrates. Bởi lẽ nhiều năm qua nơi này được xem là tuyến đường lớn mà IS liên hệ với thế giới bên ngoài, tìm kiếm nhân lực và tài vật. Gần đây những người ủng hộ nhóm này trở lại châu Âu qua hướng này, âm mưu thực hiện các cuộc tấn công.
Một người phát ngôn của SDF hôm 9-6 cho biết nhóm của ông đã trấn giữ con đường cuối cùng vào Manbij từ phía Tây, trước đó cắt đứt đường tiếp tế từ phía Bắc, phía Nam và phía Đông. Sharfan Darwish, người phát ngôn của Hội đồng Quân sự đồng minh Manbij SDF, không bình luận gì về kế hoạch một cuộc tấn công vào thành phố này. Trước đây, ngày 8-6, ông từng nói với hãng Reuters rằng lực lượng đã sẵn sàng tiến vào nhưng thận trọng do sự hiện diện dân sự ở đó.
Một thành viên của SDF đứng gần một phụ nữ ở TP Manbij. Ảnh: REUTERS
“Cuộc tấn công tại Manbij rõ ràng là được hỗ trợ bởi một số lượng nhất định của các quốc gia trong đó có Pháp . Đó là hỗ trợ thông thường dưới vai trò cố vấn” - quan chức quốc phòng Pháp nói. Có thể nói, lần này cho thấy tham vọng lớn nhất của lực lượng dân quân ở Syria kể từ khi Mỹ khởi động chiến dịch quân sự chống lại IS cách đây 2 năm.
Trong khi đó, Nga đang ủng hộ các lực lượng của chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại IS ở vùng khác của đất nước. Ở miền Nam Syria, một trong những người sáng lập của Liên minh Mặt trận Syria (FSA), bị một kẻ đánh bom tự sát nghi ngờ là phần tử IS tiêu diệt.
Tại Iraq, chính quyền Baghdad tung lực lượng nỗ lực công phá pháo đài IS ở TP Falluja thuộc tỉnh Anbar, cách thủ đô Baghdad một giờ lái xe. Những tuần gần đây, IS mất không ít lãnh thổ vào tay người Kurd ở miền Bắc Iraq và quân nổi dậy chống Assad tại Syria.
Ngay sau Mỹ và Nga, một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp tiết lộ Paris đã triển khai lực lượng đặc biệt của mình tới phía Bắc Syria để tư vấn cho quân nổi dậy và giúp họ chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Cho đến nay, Pháp đã thừa nhận sự hiện diện của khoảng 150 binh lính thuộc lực lượng đặc biệt trong khu vực, tất cả đều ở vùng của người Kurd ở Iraq.
Các nhận xét mới nhất cho rằng đây không phải là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự hiện diện của Pháp tại Syria. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian nói với kênh truyền hình Public Senat rằng Paris “cung cấp hỗ trợ thông qua nguồn cung cấp vũ khí,đạn dược, sự hiện diện của không quân và cố vấn”.
Bình luận (0)