Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot cho hay: “Ngoại trưởng của chúng tôi đã gọi điện cho người đồng cấp Bolivia và bày tỏ sự hối tiếc về sự việc".
Phát biểu tại Berlin – Đức, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: "Có nhiều thông tin trái ngược nhau về hành khách trên chuyến bay. Khi biết đó là máy bay chở Tổng thống Morales tôi đã cấp phép ngay lập tức".
Trước đó, Bolivia cáo buộc Pháp, Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha đóng cửa không phận với lý do tình nghi Edward Snowden, người tiết lộ các chương trình do thám mật của Mỹ, có mặt trên máy bay.
Biểu tình "đòi tôn trọng" của người dân Bolivia trước đại sứ quán Pháp ở La Paz. Ảnh: Reuters
Cờ Pháp bị đốt. Ảnh: Reuters
Nhiều lãnh đạo Nam Mỹ đã lên tiếng bất bình cùng với Bolivia và cho rằng hành động của các nước châu Âu không chỉ xúc phạm Bolivia mà là toàn thế Mỹ Latin. Dự kiến Liên đoàn Các quốc gia Nam Mỹ (Unasur) sẽ họp ngày 4-7 tại Cochabamba - Bolivia để bàn về vụ việc này. Theo Phó Tổng thống Bolivia Alvaro Garcia, tham dự sẽ có Tổng thống Ecuador Rafael Correa, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Tổng thống Uruguay Jose Mujica.
Đã nổ ra các cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Pháp ở thủ đô La Paz của Bolivia. Họ đốt cờ Pháp và đòi trục xuất đại sứ. Bolivia cũng đã nộp đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc vì tổng thống của họ "bị bắt cóc 13 giờ".
Một vấn đề khác gây nhiều tranh cãi là thông tin giới chức Áo lục soát máy bay của Tổng thống Morales. Phía Áo khẳng định họ đã lục soát nhưng với sự cho phép của ông Morales.
Trong khi ông Morales đang trên đường bay về nước thì các nhà ngoại giao Bolivia tại Liên Hiệp Quốc lên án hành động lục soát của Áo. Thế nhưng, sau khi máy bay đáp xuống thủ đô La Paz, Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Ruben Saavedra lại phủ nhận chuyện lục soát.
Cảnh sát Bolivia canh gác trước đại sứ quán Pháp ở La Paz. Ảnh: Reuters
Máy bay chở tổng thống Bolivia về tới thủ đô La Paz tối 3-7. Ảnh: Reuters
Phía Mỹ vẫn giữ thái độ ngoài cuộc với vụ này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki chỉ nói chung chung Washington đã có liên hệ với nhiều quốc gia trong 10 ngày qua. Khi phóng viên hỏi có phải Mỹ đã "nhờ vả" các nước châu Âu chặn máy bay tổng thống Bolivia, ông Psaki tránh né: "Các bạn nên hỏi thẳng các quốc gia ấy".
Trong một diễn biến khác, Pháp đe dọa sẽ đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ do các cáo buộc Mỹ do thám các văn phòng EU và đại sứ quán nhiều nước.Theo kế hoạch, đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 8-7 tới. Tuy nhiên, đe dọa của Pháp không nhận được sự hậu thuẫn của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Bình luận (0)