Chương trình Nghiên cứu và Phát triển Trọng điểm Quốc gia của Trung Quốc đã hỗ trợ cho các nhà khoa học ở nhiều tổ chức, tìm kiếm các mối đe dọa đại dịch trong tương lai.
Đây là cuộc nghiên cứu toàn diện và đầu tiên của Trung Quốc để đánh giá loài động vật hoang dã nào có khả năng mang virus lớn nhất có thể gây bùng phát đại dịch.
Nghiên cứu các loài động vật hoang dã được buôn bán ở các chợ Trung Quốc, các nhà khoa học đã xác định được 71 loại virus ở động vật có vú. Trong đó, có 18 loại được coi là "có nguy cơ cao" đối với người và vật nuôi.
Cầy hương, loài ăn thịt giống mèo có liên quan đến việc lây lan virus hô hấp cấp tính nghiêm trọng ở các chợ ở miền Nam Trung Quốc gần 20 năm trước, mang theo những vi khuẩn đáng lo ngại nhất, theo nghiên cứu được công bố hôm 12-11.
Cầy hương được bán ở chợ động vật hoang dã tại tỉnh Quảng Châu - Ảnh: AP
Các tác giả ở Trung Quốc, Mỹ, Bỉ và Úc không tìm thấy bất cứ điều gì giống với SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên họ đã chỉ ra rằng các chủng do dơi mang theo nhiễm sang động vật khác, có nguy cơ gieo mầm dịch bệnh nguy hiểm.
Đồng tác giả Edward Holmes , một nhà sinh vật học tiến hóa tại ĐH Sydney, Úc, cho biết trong một email: "Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng con người thường xuyên truyền virus của họ cho các động vật khác. Rõ ràng là có lưu lượng virus hai chiều. "
Thị trường buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc ước tính trị giá 82 tỉ USD vào năm 2016.
Trung Quốc đã cấm buôn bán động vật hoang dã sau khi dịch Covid-19 xuất hiện. Sau động thái này, vào đầu năm 2020, Trung Quốc thừa nhận điều kiện vệ sinh kém và sự tiếp xúc gần gũi giữa động vật và con người. Đồng thời, sự đa dạng của các loài trong các chợ động vật sống và các nhà hàng mà họ phục vụ tạo ra nơi sinh sản lý tưởng cho các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Nhiều loài trong số động vật hoang dã được điều tra đã được trưng bày tại chợ bán buôn hải sản Huanan ở Vũ Hán, tâm chấn của đợt bùng phát Covid-19 ban đầu. Trong số các phát hiện virus đáng chú ý, các nhà khoa học lần đầu tiên xác định được sự hiện diện của virus viêm gan E và chủng cúm H9N2 ở cầy hương.
Nhà sinh vật học Holmes, người được trao Giải thưởng Khoa học của Thủ tướng Úc, cho biết: "Những con vật được bán trong các chợ động vật sống mang theo rất nhiều mầm bệnh virus. Thời điểm, môi trường thuận lợi có thể khiến virus này dễ dàng gây ra đại dịch toàn cầu".
Bình luận (0)