Trong chuyến khám phá rãnh Atacama mới đây, nhóm khoa học nói trên đã thả một thiết bị công nghệ cao - được trang bị mồi, màn hình và camera dưới nước – xuống đáy của khu vực này.
Theo tờ Washington Post (Mỹ), phải mất 4 tiếng đồng hồ thiết bị nói trên mới chạm được đáy của rãnh Atacama, ngoài khơi Peru và Chile. Tuy nhiên, ngay khi đến nơi, thiết bị này đã thu thập được những hình ảnh quý giá.
Đáng chú ý, các nhà khoa học đã phát hiện 3 loài cá mới, được cho là thuộc bộ Cá mù làn, ở độ sâu hơn 6.400 – 8.000 m so với mực nước biển, Trường ĐH Newcastle (Anh) công bố vào hôm 10-9.
Các nhà khoa học đã tạm đặt tên chúng là Cà mù làn Atacama hồng, xanh dương và tím. Cũng theo các nhà khoa học, ở độ sâu nói trên, chúng là những kẻ săn mồi lớn nhất.
Hình ảnh "cá ma" đớp mồi ở đáy rãnh Atacama, một trong những khu vực sâu nhất ở Thái Bình Dương. Ảnh cắt từ clip.
Ông Thomas Linley, một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết 3 loài cá nói trên không có vảy và phần cứng nhất trên cơ thể chúng là răng và xương tai trong, vốn có chức năng giúp chúng giữ thăng bằng. Cũng theo ông Linley, những đặc điểm cơ thể này giúp chúng thích nghi với cuộc sống tại những khu vực sâu nhất đại dương, nơi có áp suất vô cùng lớn bên cạnh nhiệt độ cực kỳ thấp.
Ông Linley còn cho biết thêm rằng nếu được đưa lên mặt biển, 3 loài cá nói trên sẽ "tan chảy nhanh chóng" vì khi đó, cơ thể của chúng không còn được "áp suất và độ lạnh cực đoan" chống đỡ. Theo tạp chí Smithsonian (Mỹ), áp suất ở độ sâu nói trên cao hơn khoảng 2.500 lần ngưỡng quen thuộc của các sinh vật sống trên đất liền.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ông Linley đã mang được một trong 3 loài "cá ma" nói trên lên bờ sau khi nó bơi vào bẫy. Mẫu vật này đã được bảo quản, còn trong tình trạng "rất tốt" và đang được nghiên cứu.
Ảnh scan của một trong 3 loài "cá ma" vừa được các nhà khoa học phát hiện ở độ sâu 6.400 - 8.000 m so với mực nước biển. Ảnh: Trường ĐH Newcastle
Bình luận (0)