Thông tin của Reuters được đưa ra vào thời điểm hãng dược phẩm khổng lồ Johnson & Johnson (J&J) đang đối mặt với hàng ngàn vụ kiện tụng khẳng định các sản phẩm có chứa bột talc gây ung thư cho người sử dụng.
Mới đây, J&J đã buộc phải chia sẻ hàng ngàn trang ghi nhớ, báo cáo nội bộ và nhiều loại hồ sơ mật khác của công ty cho luật sư của một số người trong số 11.700 nguyên đơn khẳng định bột talc của J&J gây ung thư.
Hãng Reuters đã kiểm tra rất nhiều tài liệu trên và phát hiện ra rằng ít nhất từ năm 1971 đến đầu những năm 2000, bột talc thô và phấn rôm của công ty thỉnh thoảng bị phát hiện chứa một lượng nhỏ amiăng (asbestos) khi xét nghiệm.
Tuy nhiên, các lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, bác sĩ và luật sư của công ty dược phẩm này chỉ lo lắng và suy nghĩ cách giải quyết vấn đề thay vì công bố thông tin cho các cơ quan quản lý hay công chúng.
Johnson & Johnson bị tố đã biết phấn rôm trẻ em chứa chất gây ung thư từ lâu. Ảnh: Reuters
Theo điều tra của Reuters, những phát hiện lâu năm nhất về bột talc nhiễm amiăng của J&J có từ báo cáo năm 1957 và 1958 của một phòng thí nghiệm. Từ khoảng thời gian trên đến đầu những năm 2000, hàng loạt báo cáo vào các thời điểm khác nhau của các nhà khoa học tại J&J, phòng thí nghiệm bên ngoài và nhà cung cấp của J&J cũng cho ra kết quả tương tự.
Vào năm 1976, khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cân nhắc giới hạn về amiăng trong các sản phẩm mỹ phẩm, J&J đảm bảo với FDA rằng họ không phát hiện amiăng trong bất kỳ mẫu vật nào trong giai đoạn từ tháng 12-1972 đến tháng 10-1973. Thực chất, có ít nhất 3 cuộc kiểm tra tại 3 phòng thí nghiệm khác nhau từ năm 1972 đến năm 1975 cho thấy có amiăng trong bột talc của hãng, trong đó có một trường hợp có lượng amiăng "khá cao".
Trước công bố chấn động của Reuters, các luật sư của J&J khẳng định: "Phấn rôm trẻ em của Johnson & Johnson an toàn và không chứa amiăng. Bài báo của Reuters mang tính một chiều, sai sự thật và khiêu khích. Nói một cách đơn giản, báo cáo của Reuters là một thuyết âm mưu phi lý".
Dù vậy, tin tức bất lợi của J&J đã khiến giá cổ phiếu của hãng lập tức giảm đi 10%, mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay.
Trước đó, vào tháng 7, J&J còn bị tòa án yêu cầu bồi thường 4,7 tỉ USD cho 22 phụ nữ cáo buộc phấn rôm của hãng khiến họ bị ung thư buồng trứng.
Bình luận (0)