Hành tinh này được đặt tên Kepler-22b, là hành tinh nhỏ nhất được tìm thấy trong vùng có thể có sự sống từ trước đến nay. Việc phát hiện Kepler-22b được coi là một bước tiến trong cuộc khám phá các hành tinh chị em với Trái Đất.
Kepler-22b có đường kính lớn gấp 2,4 lần Trái Đất và cách hành tinh xanh của chúng ta 600 năm ánh sáng. Hiện các nhà khoa học chưa rõ bề mặt của hành tinh này là đá, khí hay hỗn hợp lỏng, nhưng nhiều khả năng nhiệt độ bề mặt có thể vào khoảng 21 độ C.
Kepler-22b theo mô phỏng của NASA. Ảnh: NASA
Kepler-22b quay quanh một ngôi sao giống mặt trời theo một quỹ đạo dài 290 ngày. “Mặt trời” này cũng thuộc nhóm G, tương đương với mặt trời trong Thái Dương hệ nhưng nhỏ hơn và lạnh hơn.
Kepler-22b có biệt danh là “hành tinh giáng sinh” do đường đi của nó được xác định vào ngày 22-12. Nó nằm ngay chính giữa vùng có thể có sự sống, nơi có nhiệt độ không quá cao hay quá thấp, đủ điều kiện cho nước tồn tại ở dạng lỏng. Các nhà khoa học NASA còn cho rằng có thể có đại dương hoặc băng trên Kepler-22b.
Trước đây, các nghiên cứu từng phát hiện ra nhiều hành tinh có kích thước tương tự trái đất và nằm trong vùng có thể có sự sống. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu hơn đã không khẳng định điều này.
Tháng 2-2011, chương trình không gian Kepler xác định được 54 vật thể vũ trụ nằm trong vùng có thể có sự sống. Kepler-22b là trường hợp đầu tiên được khẳng định trong số này.
Theo NASA, từ khi triển khai vào tháng 3-2009, chương trình Kepler đã tìm thấy 2.326 vật thể vũ trụ có thể là hành tinh. Trong đó có 207 trường hợp có kính thước xấp xỉ Trái Đất, 680 trường hợp "siêu lớn" so với trái đất, 1.181 trường hợp bằng Hải Vương tinh, 203 trường hợp bằng sao Mộc.
Bình luận (0)