Farook và Malik, nghi phạm xả súng ở Trung tâm Vùng Inland (IRC) thuộc hạt San Bernardino, bang California hôm 2-12, khiến 14 người thiệt mạng và 21 người bị thương (tăng lên so với con số 17), đã bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc đọ súng ác liệt. 2 người này tuyên bố đã kết hôn song cơ quan chức năng bác bỏ.
Trong chiếc xe mà Farook và Malik sử dụng trong cuộc đọ súng với cảnh sát có 2 khẩu súng trường, 2 súng ngắn và 1.600 băng đạn. Sau khi khám xét căn hộ thuê của 2 người này gần TP Redlands, hạt San Bernardino, nhà chức trách thu được thêm 4.500 băng đạn, 12 quả bom ống và vật liệu chế tạo bom.
Theo phát ngôn viên Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) Meredith Davis, các khẩu súng được mua hợp pháp tại Mỹ. Trong đó, Farook mua 2 khẩu súng ngắn, còn 2 khẩu súng trường thì nhờ người mua hộ. Cảnh sát trưởng San Bernardino, ông Jarrod Burguan, cho biết ngoài súng, bom và đạn dược, họ còn tìm thấy các ổ cứng chứa dữ liệu, máy tính và điện thoại di động.
Các quan chức Washington có liên hệ với cuộc điều tra tiết lộ đến nay chưa có bằng chứng chắc chắn cho thấy Farook và Malik liên hệ trực tiếp với các nhóm khủng bố nước ngoài. Tuy nhiên, các thiết bị điện tử mà chúng sở hữu vẫn được kiểm tra để xem cặp đôi có truy cập vào các trang web hoặc mạng xã hội của các phần tử thánh chiến hay không.
Một nguồn tin chính phủ Mỹ nói với Reuters rằng Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang điều tra thông tin Farook có liên lạc với một số kẻ đang bị cơ quan này điều tra. Ít nhất một trong các địa chỉ liên lạc nằm bên ngoài nước Mỹ song chưa có thông tin Farook móc nối với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Tổng thống Barack Obama thừa nhận vụ tấn công thảm sát của cặp vợ chồng được thúc đẩy bởi “tư tưởng cực đoan”, có thể liên quan tới khủng bố nhưng vẫn chưa chắc chắn.
Farook sinh ra ở bang Illinois, là một công dân Mỹ. Cha hắn là người nhập cư Pakistan. Còn Malik chào đời tại Pakistan và sống ở Ả Rập Saudi cho tới khi "kết hôn với Farook". David Bowdich, trợ lý giám đốc FBI tại Los Angeles, cho biết cô ả nhập cảnh vào Mỹ dưới dạng visa dành cho hôn thê và sử dụng hộ chiếu Pakistan.
Cặp đôi tới Mỹ tháng 7-2014 sau khi ghé thăm Pakistan. Mùa hè năm 2014, Farook cũng đến thăm Ả Rập Saudi trong 9 ngày, theo Đại sứ quán Mỹ tại Riyadh.
Người đứng đầu thánh đường Hồi giáo ở Riverside, bang California, Mustafa Kuko, cho biết Farook thường đến nơi này suốt 2 năm cho tới năm 2014. Hắn là một người Hồi giáo mộ đạo, từng hành hương đến Thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi cách đây vài năm. “Anh ta có đức tin rất lớn, là người trầm tĩnh, không bao giờ tranh cãi hoặc gây gổ với bất kỳ ai” – ông Kuko nói.
Nizaam Ali, một sinh viên đại học 23 tuổi, quen biết Farook khi đến thánh đường Hồi giáo. Anh kể hắn cầu nguyện 2-3 lần/tuần trong suốt giờ nghỉ trưa tại thánh đường Dar Al Uloom Al Islamiyah of America ở hạt San Bernardino. Ali cho biết anh không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu cực đoan hay chủ nghĩa cực đoan nào ở người đàn ông này.
Farook nói với Ali rằng ông ta kết hôn với Malik – người mà ông ta gặp trên mạng internet – vào tháng 7-2014. Vợ của Farook đeo mạng che mặt, điều khiến anh ta cảm thấy thích thú. Cả 2 có 1 con gái 6 tháng tuổi và họ gửi lại đứa bé cho mẹ Farook vào sáng 2-12, trước khi đi gây án.
Bình luận (0)