Đài CBS hôm 1-2 cho biết các nhà nghiên cứu tìm thấy khoáng vật zircon có niên đại hàng tỉ năm bên dưới đảo quốc Mauritius. Đây là khoáng vật xuất hiện ở một trong những giai đoạn sớm nhất của lịch sử trái đất. Trong khi đó, các loại đá khác trên đảo quốc chỉ có niên đại khoảng 9 triệu năm.
“Việc chúng tôi tìm thấy loại zircon với niên đại hàng tỉ năm chứng minh rằng bên dưới Mauritius là một lục địa” – Lewis Ashwal, tác giả chính của bản nghiên cứu, đồng thời là nhà địa chất tại Trường ĐH Witwatersrand, Johannesburg - Nam Phi, cho biết.
Lớp vỏ trái đất được tạo thành từ hai phần: lục địa (cao hơn vì chúng được cấu tạo từ các loại đá nhẹ hơn như granit) và lòng chảo đại dương (thấp hơn vì được tạo thành từ đá nặng như bazan).
Trong khi lớp vỏ lục địa có thể có niên đại 4 tỉ năm thì lớp vỏ đại dương “trẻ” hơn nhiều và liên tục được hình thành do đá nóng chảy phun qua các khe nứt dưới đáy biển.
Nghiên cứu mới cho thấy một mảnh nhỏ của một lục địa nguyên sinh có thể đã bị bỏ quên sau khi siêu lục địa Gondwana tách ra thành châu Phi, tiểu lục địa Ấn Độ, Úc và Nam Cực hơn 200 triệu năm trước, từ đó hình thành nên đảo quốc Mauritius ngày nay.
Hồi năm 2013, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện dấu vết của zircon cổ trong cát bãi biển trên đảo quốc Mauritius. Tuy nhiên, sau đó họ cho rằng zircon này có thể đã được gió mậu dịch thổi đến hoặc dính vào đôi giày của một ai đó.
Trong nghiên cứu mới, zircon nói trên được xác định nằm trong loại đá có niên đại 6 triệu năm được gọi là trachyte. Vậy nên, nhà địa chất Ashwal loại trừ khả năng nó được gió mậu dịch đưa tới.
Mauritius là một hòn đảo nhỏ nhưng đông dân cư với khoảng 1,35 triệu dân. Tọa lạc ở Ấn Độ Dương, phía Đông đảo quốc Madagascar, Mauritius cũng là một trong những vùng đất “trẻ” nhất thế giới, hình thành từ cách đây khoảng 9 triệu năm.
Bình luận (0)