Một đội kiểm soát phóng xạ của Mỹ gồm 15 người ngày 2-4 đã đến căn cứ không quân Yokota ở phía Tây Tokyo để giúp Nhật Bản đối phó với cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất nước này. Những người này có khả năng dò tìm và xác định các chất độc; tìm kiếm, cứu nạn, chăm sóc y tế khẩn cấp. Họ cũng có thể giúp đỡ và cố vấn cho nhà chức trách Nhật.
Đồng thời, người phát ngôn của Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản - ông Hidehiko Nishiyama - cho biết nước nhiễm xạ cao độ đã rò rỉ qua một vết nứt ở Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima Daiichi chảy ra Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, các chuyên gia cho rằng chất phóng xạ đã nhanh chóng được pha loãng trong đại dương bao la. Vẫn chưa rõ những công nhân đang nỗ lực ổn định các lò phản ứng trong nhà máy có bị phơi nhiễm hay không.
Bên cạnh đó, nỗ lực xả nước nhiễm xạ từ bên trong khu nhà chứa các lò phản ứng ở Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn tiếp diễn. Việc xả nước này là cần thiết để giảm bớt nguy cơ các công nhân bị nhiễm chất phóng xạ. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) xem xét giải pháp sử dụng một đảo nổi nhân tạo lớn để chứa số nước này. Thiết bị này có thể chứa được 10.000 tấn nước, trong khi số nước nhiễm xạ trong nhà máy khoảng 13.000 tấn. TEPCO cũng nối lại việc chuyển nước từ một sà lan của hải quân Mỹ vào các bồn chứa ở nhà máy để bơm vào làm mát các lò phản ứng.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (phải) đến thăm căn cứ của các đội cảm tử ở tỉnh Fukushima ngày 2-4. Ảnh: REUTERS
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan hôm 2-4 đã đến thăm những người sơ tán ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate, nơi có hơn 2.000 người chết và mất tích. Ông cũng đến tỉnh Fukushima động viên các đội cảm tử đang xả thân để ngăn chặn rò rỉ hạt nhân.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cảnh báo rằng cuộc đấu tranh để chấm dứt khủng hoảng hạt nhân ở Nhật sẽ kéo dài.
Ngoài ra, theo hãng tin AFP, kỹ sư Natalia Mironova - một chuyên gia Nga về nhiệt động lực - cho rằng thảm họa hạt nhân ở tỉnh Fukushima lớn hơn nhiều so với tai nạn xảy ra ở Chernobyl (Ukraine) năm 1986. Kỹ sư Mironova nhấn mạnh: “Nhà máy Chernobyl chỉ có một lò phản ứng và sự cố chỉ kéo dài 2 tuần. Bây giờ, chúng ta đã mất 3 tuần và có 4 lò phản ứng đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm”.
Bình luận (0)