Trong cuộc phỏng vấn với Tolo News đăng tải ngày 9-9, ông Hashimi nói về việc thiếu vắng phụ nữ trong bộ máy "chính phủ lâm thời" của Afghanistan: "Một phụ nữ không thể trở thành bộ trưởng. Giống như mọi người đeo thứ gì đó lên cổ cô ta và cô ta không thể mang nó. Họ chỉ nên sinh con. Những phụ nữ đang biểu tình không đại diện cho tất cả phụ nữ ở Afghanistan".
Khi phóng viên của Tolo News phản bác rằng "phụ nữ là một nửa của xã hội", ông Hashimi đáp lời: "Nhưng chúng tôi không xem họ là một nửa (của xã hội). Phụ nữ của Afghanistan là những người sinh ra người dân Afghanistan, giáo dục họ về đạo đức Hồi giáo".
Phụ nữ biểu tình đòi quyền lợi ở thủ đô Kabul - Afghanistan. Ảnh: Reuters
Ngày 7-9, Taliban công bố "nội các cho chính phủ lâm thời" toàn là đàn ông. Ít nhất 14 thành viên của chính phủ lâm thời Taliban nằm trong danh sách khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm Mullah Hasan. Riêng "quyền bộ trưởng nội vụ" Sirajuddin Haqqani bị Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin bắt được người này.
Sau khi tiếp quản thủ đô Kabul ngày 15-8, Taliban tuyên bố "nới lỏng hạn chế đối với phụ nữ về công việc và giáo dục" song trên thực tế, họ đang có một số hành động ngược lại.
Trước đó, Taliban cam kết để phụ nữ làm việc dựa trên các nguyên tắc của đạo Hồi. Phụ nữ cũng có thể đi học tại các ngôi trường đại học nhưng phải mặc trang phục che kín cơ thể.
Ngày 10-9, Bộ trưởng Luật và Nội vụ của Singapore K Shanmugam lên tiếng cảnh báo khu vực Đông Nam Á sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Ông K Shanmugam lập luận rằng dưới chế độ Taliban trước đây, Afghanistan là nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố tiềm tàng đến từ Đông Nam Á.
Vì vậy, việc Taliban tiếp quản Afghanistan có thể làm gia tăng các vụ tấn công khủng bố ở Đông Nam Á.
Về tình hình an ninh ở Singapore, ông K Shanmugam cho biết đây là một vấn đề chiến lược, cần thời gian để chuẩn bị.
Bình luận (0)