Cậu thiếu niên Pema Lama được nhân viên cứu hộ kéo ra khỏi đống đổ nát của khách sạn Hilton, 7 tầng, nằm ở thủ đô Kathmandu sáng 30-4. Những người có mặt reo hò không ngớt khi chứng kiến cậu bé vẫn khỏe mạnh, chỉ hơi choáng do nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Trên người Lama phủ đầy bụi và cậu nhanh chóng được đặt lên cáng cùng một chiếc dây đai cố định quanh cổ.
Cảnh sát cho biết đội cứu hộ - với sự trợ giúp của lực lượng ứng phó thảm họa của Mỹ - phải mất nhiều giờ mới cứu được cậu bé. Sĩ quan L.B. Basnet kể lại ông rất ngạc nhiên khi thấy Lama còn sống vì đã trải qua 5 ngày bị đất đá chôn vùi. “Cậu ấy cảm ơn tôi, nói tên tuổi của mình và tôi cho cậu ta một ít nước” – ông Basnet nói với phóng viên. Khi được hỏi làm thế nào Lama có thể tồn tại trong quãng thời gian lâu như vậy, ông Basnet trả lời: “Cậu ấy sống nhờ đức tin của mình”.
Theo các quan chức Nepal, khả năng phát hiện thêm những người sống sót như cậu thiếu niên 15 tuổi kể trên là rất hiếm hoi. Đội cứu hộ đang làm việc cật lực dưới trời mưa với hy vọng tìm thấy những nạn nhân cuối cùng. Lực lượng quốc tế tham gia tìm kiếm với nước chủ nhà thông báo công tác cứu hộ gần như đã hoàn tất vì có quá ít cơ hội tìm thấy người sống sót.
Số người chết trong trận động đất đã lên tới 5.489 người. Gần 11.000 người bị thương và hơn 80 đã thiệt mạng tại nước láng giềng Ấn Độ và khu vực Tây Tạng - Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết 600.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng. 8 triệu người dân bị ảnh hưởng, trong đó ít nhất 2 triệu người đang cần lều, nước, thực phẩm và thuốc men trong vòng 3 tháng tới.
Nepal đang kêu gọi chính phủ các nước hỗ trợ thêm máy bay trực thăng. Bộ Nội vụ nước này cho biết hiện tại có khoảng 20 trực thăng của quân đội Nepal và Ấn Độ tham gia vào các hoạt động cứu hộ. Quan chức Laxmi Prasad Dhakal xác nhận Trung Quốc sẽ gửi trực thăng đến Nepal vào ngày 30-4.
Do ảnh hưởng của thời tiết xấu, trực thăng không thể chở hàng cứu trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng nông thôn và phụ cận Kathmandu.
Video quay cảnh động đất rung chuyển đường phố Kathmandu hôm 25-4. Nguồn: RT/YouTube
Giữa thời điểm hàng trăm ngàn người Nepal đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, một khách sạn 5 sao ở Kathmandu bị lên án vì không cho người vô gia cư vào trú ẩn trong khi vẫn mở cửa đón du khách giàu có người nước ngoài. Hướng dẫn viên du lịch Ang Lama kêu gọi mọi người tẩy chay khách sạn Hyatt Regency vì thái độ phân biệt đối xử kể trên.
Ông Lama chụp một loạt ảnh cho thấy du khách nước ngoài đeo ba lô thảnh thơi đi dạo trên các bãi cỏ trong khách sạn, còn người dân bản địa kéo nhau dựng lều ở bên ngoài khu vực rộng gần 15 héc-ta. Giám đốc bộ phận bán hàng Sanjad Tapa sau đó phủ nhận tố cáo của ông Lama. Bà Brigitta Witt, phó Chủ tịch Công ty Hyatt, phân bua: “Nhân viên khách sạn của chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ kể từ khi động đất xảy ra để hỗ trợ khách hàng, đồng nghiệp và người dân Nepal”.
Công ty Hyatt có trụ sở tại Mỹ, đang quản lý 22 khách sạn hạng sang ở Washington, Mumbai, Tokyo Seoul, bao gồm cả Hyatt Regency.
Bình luận (0)