Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Joe Biden là hạt Cornwall - Anh, nơi ông dự kiến gặp gỡ Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 10-6 trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) từ ngày 11 đến 13-6.
Xuyên suốt sự kiện kéo dài 3 ngày nêu trên, Tổng thống Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận những vấn đề liên quan đến ngoại giao vắc-xin Covid-19, thương mại, khí hậu và sáng kiến tái thiết cơ sở hạ tầng dành cho những quốc gia đang phát triển.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh G7, ông chủ Nhà Trắng sẽ đến Brussels để bàn bạc với các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khối Liên minh châu Âu (EU) về những vấn đề liên quan đến Nga, Trung Quốc và chi phí quốc phòng chung.
Chuyến công du 8 ngày của Tổng thống Joe Biden sẽ kết thúc bằng cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại TP Geneva - Thụy Sĩ, vào ngày 16-6. Theo AP, đây được xem là sự kiện tâm điểm và khó khăn nhất trong chuyến công du này và là dịp để ông chủ Nhà Trắng nêu trực tiếp với Tổng thống Putin về những mối lo ngại của Washington, bao gồm tấn công mạng và điều ông mô tả là hành vi khiêu khích của Moscow nhằm vào Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden hôm 9-6 bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức Ảnh: REUTERS
Có thể thấy một trong những tâm điểm của chuyến công du lần này là đối phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc. Bloomberg dẫn tài liệu mật cho biết Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo EU dự kiến kêu gọi tiến hành giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 một cách "minh bạch, dựa trên bằng chứng, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu và không bị can thiệp".
Cũng lên tiếng ủng hộ cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 của Mỹ, Thủ tướng Úc Scott Morrison còn kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại các hành vi cưỡng ép kinh tế trong bài phát biểu trước khi lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Anh.
Cụ thể, Thủ tướng Morrison hôm 9-6 cảnh báo các nhà lãnh đạo toàn cầu rằng nguy cơ xung đột liên quan đến Trung Quốc đang gia tăng khi thế giới đối mặt với thời kỳ bất ổn chưa từng có kể từ những năm 1930. Thông qua bài phát biểu, ông Morrison kêu gọi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên trừng phạt "hành vi xấu đang diễn ra", đồng thời khẳng định Úc sẽ hợp tác để củng cố vai trò của WTO và hiện đại hóa bộ quy tắc trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ hôm 8-6 thông qua Dự luật Đổi mới và Cạnh tranh Mỹ (USICA) trị giá hơn 200 tỉ USD nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc trong 5 năm tới. Dự luật này vẫn cần qua cửa Hạ viện trước khi được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9-6 kêu gọi Mỹ ngưng thúc đẩy dự luật trên và dừng xem nền kinh tế thứ hai thế giới là mối đe dọa. Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc cũng gọi dự luật của Mỹ là nỗ lực can thiệp công việc nội bộ và tước quyền phát triển hợp pháp của nước này.
Bình luận (0)