Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành chiến dịch tự do hàng hải mới quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông, trong đó có việc đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo này.
Tiếp tục “xoay trục”?
Nếu được Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua, đây sẽ là chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ ở biển Đông kể từ khi ông nhậm chức hôm 20-1. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson vừa đến biển Đông tuần tra vào cuối tuần rồi có thể sẽ thực hiện chiến dịch nói trên.
Tờ China Daily hôm 21-2 nhận định động thái mới nhất của Washington phát đi thông điệp chính quyền mới của Mỹ có thể tiếp tục chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương do chính quyền tiền nhiệm (của Tổng thống Barack Obama) khởi xướng. Dù vậy, tờ báo cho rằng những cuộc tuần tra của tàu Mỹ ở biển Đông sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực như những gì xảy ra trước đó. Vào giữa tuần rồi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảnh nhấn mạnh Bắc Kinh tôn trọng tự do hàng hải theo luật quốc tế nhưng phản đối bất kỳ quốc gia nào nhân danh tự do hàng hải và hàng không để làm tổn hại đến “chủ quyền và lợi ích an ninh” của nước này.
Ngay khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson bắt đầu được triển khai đến biển Đông và Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập hải quân ở biển Đông. Theo Tân Hoa Xã, nội dung cuộc tập trận vừa kết thúc hôm 17-2 gồm phòng không, hộ tống, chống khủng bố, chống cướp biển và hoạt động phòng thủ trong điều kiện xảy ra chiến tranh.
Những diễn biến trên càng làm dấy lên nỗi lo tình hình biển Đông thêm nóng trong thời gian tới. “Bất kỳ tính toán sai lầm của bên nào cũng có thể khiến căng thẳng leo thang và vượt ngoài tầm kiểm soát. Trung Quốc nhiều khả năng không nhượng bộ cho dù quân đội Mỹ làm bất kỳ điều gì ở biển Đông. Hai bên cần có cái đầu lạnh và không nên có những động thái khiêu khích không cần thiết” - ông Chu Trí Quần, người đứng đầu Viện Trung Quốc tại Trường ĐH Bucknell (Mỹ), nhận định với tờ Navy Times.
Cơ hội của ông Trump
Với ông Trump, vấn đề biển Đông được xem là cơ hội để ông thực hiện lời hứa “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Theo tạp chí National Interest, chính quyền ông Trump có thể sử dụng vấn đề biển Đông để nêu bật cam kết về một trật tự hàng hải quốc tế ổn định dựa trên luật pháp. Ngoài việc tiếp tục chiến dịch tự do hàng hải đơn phương như hiện nay, Washington nên bắt tay với các đồng minh, đối tác khác ở khu vực để tiến hành các hoạt động tuần tra song phương, đa phương.
Không chịu để Mỹ lấn át, Trung Quốc đang xem xét sửa đổi luật biển, theo đó có thể cấm tàu nước ngoài đi qua những vùng biển mà Trung Quốc xem là lãnh hải. Ngoài ra, luật được chỉnh sửa dự kiến còn yêu cầu tàu lặn nước ngoài phải di chuyển trên mặt biển, treo cờ quốc gia và báo cáo với chính quyền Bắc Kinh khi đi qua những vùng biển nói trên. Theo bản dự thảo luật vừa được công bố, các tàu nước ngoài vi phạm luật của Trung Quốc sẽ bị trục xuất.
“Bắc Kinh đang tìm cách cải thiện vấn đề quản lý an ninh hàng hải bằng cách sửa đổi luật, đặc biệt là các chi tiết liên quan đến mối đe dọa ngày càng tăng từ hoạt động giám sát nước ngoài” - ông Lâm Dũng Tân, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Quốc gia về nghiên cứu biển Đông (Trung Quốc), giải thích với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng. Dù vậy, AP nhận định những điều chỉnh được đề xuất đe dọa đẩy Bắc Kinh vào cuộc xung đột với Washington về vấn đề tự do hàng hải ngay cả khi truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh chúng phù hợp với luật pháp quốc tế.
ASEAN lo ngại Trung Quốc quân sự hóa biển Đông
Các ngoại trưởng ASEAN hôm 21-2 bày tỏ lo ngại về hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông, cũng như thúc giục sự đối thoại để ngăn “những diễn biến gần đây” leo thang. Đó là thông tin được Ngoại trưởng nước chủ nhà Perfecto Yasay đưa ra sau Hội nghị hẹp ngoại trưởng ASEAN, diễn ra tại đảo Boracay - Philippines.
Ông Yasay không tiết lộ những diễn biến nào đang gây ra nỗi lo nói trên nhưng nhấn mạnh các nước ASEAN rất lo ngại khi Bắc Kinh đưa hệ thống vũ khí lên các đảo nhân tạo xây phi pháp ở biển Đông. Cũng theo ngoại trưởng Philippines, ASEAN hy vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực. Các nước ASEAN cũng mong Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố những chính sách của mình trong vòng vài tháng tới để cung cấp “bức tranh cụ thể, rõ ràng hơn”, nhất là về mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông Yasay nói thêm ASEAN muốn hoàn tất khuôn khổ cho Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với Trung Quốc vào tháng 6 tới. Theo nhà ngoại giao này, tất cả các bên liên quan cần bảo đảm COC phải ràng buộc về pháp lý và có thể thực thi được. Trước đó một ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo khẳng định ASEAN đang quyết tâm hơn trong việc hoàn tất COC - ý tưởng được nhất trí từ năm 2002 nhưng ít đạt tiến triển cho đến giờ.
Hội nghị nói trên là hội nghị quan trọng đầu tiên của ASEAN trong năm 2017 khi Philippines giữ cương vị chủ tịch luân phiên của khối. Ngoài tình hình biển Đông, hội nghị còn bàn về những nỗi lo an ninh khác, như chủ nghĩa khủng bố, cực đoan bạo lực, buôn người, ma túy…
Phương Võ
Bình luận (0)