Ông Mick Gilbert, người phân tích các tình huống dẫn đến sự biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370 khi nó trên đường từ Kuala Lumpur - Malaysia đến Bắc Kinh - Trung Quốc hồi tháng 3-2014, đã đưa ra giả thuyết chiếc Boeing 777 gặp vấn đề ở phần kính chắn gió, làm cho không khí trong cabin bị rò rỉ.
Người này lưu ý máy bay đi chệch khỏi lộ trình ban đầu, cho thấy phi công đang hành động để ứng phó với một tình huống khẩn cấp. “Bộ phận sưởi kính chắn gió (để làm tan băng giá đóng trên kính chắn gió) bị cháy có thể là nguyên nhân gây mất tín hiệu thu phát sóng và gián đoạn thông tin liên lạc vệ tinh” – ông Gilbert khẳng định.
Đồng thời, ông cũng tin rằng vụ cháy này cũng là lý do khiến chiếc máy bay chở 239 người phải chuyển hướng về phía Penang (bang của Malaysia).
Ông Gilbert cho biết một số máy bay của công ty Boeing, bao gồm chiếc Boeing 777 số hiệu MH370, sử dụng cùng loại kính chắn gió. Vào cuối năm 1990 và đầu những năm 2000, nhiều sự cố liên quan đến chúng đã được ghi nhận, trong đó có bắt lửa.
Tháng 10-2002, một máy bay của hãng Air France đi từ Paris - Pháp đến Los Angeles - Mỹ đã bắt lửa quanh bộ phận sưởi kính chắn gió. Phi hành đoàn phải dùng 2 bình cứu hỏa để khống chế đám cháy, sau đó hạ cánh khẩn cấp ở Canada.
Ông Gilbert dẫn một trường hợp khác, một chiếc Boeing 777 của hãng Alitalia xuất phát từ Rome - Ý đến New York - Mỹ vào năm 2003 đã bị cháy ở bộ phận sưởi kính chắn gió. Ngọn lửa mau chóng được dập tắt nhưng máy bay cũng buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Ireland.
Theo ông Gilbert, có ít nhất 39 sự cố liên quan đến bộ phận sưởi kính chắn gió từ năm 2002-2014, trong đó có 8 trường hợp xảy ra trên máy bay Boeing 777. Tuy nhiên, ông Gilbert không hoàn toàn chắc chắn bộ phận này trên chiếc MH370 thực sự bốc cháy.
Nếu kịch bản đó xảy ra, theo ông, áp suất thay đổi làm cho cửa buồng lái với khoang hành khách mở ra, khiến cả khoang này mất áp suất theo. Trong vòng 20-25 phút, nhiều hành khách có thể đã chết. Riêng một phi công có lẽ nhận ra vấn đề nên bắt đầu thở sâu và mạnh, nhờ đó còn tỉnh táo, theo ông Gilbert.
Giả thuyết tiếp tục, phi công còn sống nhận ra mọi phương tiện liên lạc đã bị vô hiệu hóa, còn điện thoại di động không có sóng. Người này biết không còn khả năng tự lái máy bay do các thiết bị đã hư hỏng còn ngoài trời đang là ban đêm, không có trăng, chưa kể ông ta chỉ còn rất ít thời gian sống sót do oxy cạn dần.
Thế là, theo ông Gilbert, viên phi công quyết định chuyển hướng mày bay một lần nữa bởi ngay bên dưới máy bay lúc đó là bang Penang với 1,6 triệu dân và ngay phía trước là tuyến hàng hải qua eo biển Malacca đông đúc thứ nhì thế giới với đủ loại tàu (chở hàng, chở dầu, chở hóa chất...) qua lại nườm nượp.
"Nếu bay như cũ thêm khoảng 20 phút, máy bay sẽ đến gần tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia, nơi có 5 triệu người cư trú" - ông Gilbert nói, đồng thời ca ngợi phi công MH370 như một anh hùng khi điều khiển máy bay ra khỏi các khu vực dân cư.
Tiếp đó, phi công cài chế độ bay tự động hướng đến một địa điểm an toàn và để MH370 bay dật dờ cho tới khi hết nhiên liệu. Theo tính toán của ông Gilbert, chiếc máy bay bị rơi cách khu vực tìm kiếm hiện tại khoảng 200 km.
Nhà tư vấn an toàn hàng không Mỹ John Cox cho rằng giả thuyết của ông Gilbert có lý. “Tôi tin rằng phi công đã hành động một cách có chủ ý” – ông Cox nói với tờ The Daily Telegraph.
Bình luận (0)