Trong gần một tuần nay, chính quyền Mỹ đã bắt 3 phi công từ 2 hãng hàng không khác nhau vì nghi ngờ những người này có dấu hiệu say xỉn trước khi bay.
Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), từ năm 2010 đến 2018, có 99 trong số gần 117.000 phi công bị phát hiện vượt quá nồng độ cồn cho phép.
FAA cảnh báo trong tờ thông tin an toàn: "Bất cứ yếu tố nào làm suy yếu khả năng của phi công trong suốt thời gian vận hành máy bay là gây ra tai họa".
FAA quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của phi công không được vượt quá 4% Ảnh: iStock
FAA quy định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của phi công không được vượt quá 0,04, bằng một nửa giới hạn cho phép khi lái xe ở Mỹ. Ngoài ra, phi công bị cấm sử dụng đồ uống có cồn trong vòng 8 giờ trước khi làm việc.
"Nếu bị bắt vì điều khiển máy bay trong tình trạng say xỉn, FAA và hãng hàng không sẽ nhanh chóng đến thu hồi quyền hạn của phi công" – ông Doug Murphy, một luật sư chuyên về các vụ say xỉn lái xe tại TP Houston cho biết.
Các hãng hàng không được FAA yêu cầu kiểm tra ngẫu nhiên phi công về nồng độ cồn và chất ma túy. Ngoài ra, cũng sẽ tiến hành kiểm tra nếu có tai nạn hoặc người nào đó đưa ra lý do tình nghi phi công say xỉn.
Phi công sẽ bị thu hồi giấy phép và phạt tù nếu bị phát hiện say xỉn. Ảnh: iStock
Vào ngày 30-7, phi công Gabriel Schroeder, 37 tuổi, làm việc cho hãng hàng không Delta Airlines, đã bị bắt tại bang Minnesota lúc hơn 11 giờ (giờ địa phương) sau khi phát hiện với bình đồ uống có cồn và bị nghi ngờ trong tình trạng say xỉn.
Chỉ một vài ngày sau, vào buổi sáng ngày 3-8 (giờ địa phương), 2 phi công Mỹ bị bắt giam tại TP Glasgow – Scotland. Chuyến bay đến TP Newark phải hủy bỏ. Một người được thả ra trong khi người còn lại là ông Glendon Gulliver, 61 tuổi, chính thức bị buộc tội vượt quá giới hạn nồng độ cồn cho phép khi chuẩn bị bay, theo hãng tin AP.
Vài năm qua, 3 trường hợp nổi tiếng toàn cầu về các vụ điều khiển máy bay trong tình trạng say xỉn hoặc chuẩn bị bay đã bị phạt tù lần lượt là 8 tháng, 10 tháng và 1 năm.
"Đình chỉ giấy phép và kết tội có thể kết thúc sự nghiệp của phi công và dẫn đến việc tịch thu giấy phép" – Luật sư Murphy nói.
Dù vậy, vẫn có đường trở lại. FAA đang vận hành chương trình điều trị lạm dụng chất gây nghiện trong ngành được hỗ trợ bởi các hãng hàng không và hiệp hội. Chương trình sẽ phối hợp đánh giá, chẩn đoán và điều trị cho các phi công gặp khó khăn với việc lạm dụng chất gây nghiện.
Thông qua chương trình Nghiên cứu Thúc đầy Can thiệp Nhân đạo, các phi công phải nỗ lực đạt chứng nhận y khoa về phục hồi sức khỏe để quay trở lại công việc.
Bình luận (0)