Lời quả quyết trên được đưa ra khi Nhà Trắng cố xác định mức độ cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và điều đó có thể đạt được bằng cách nào, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 2 nước này.
Các nhà khoa học Siegfried Hecker, Robert Carlin và Elliot Serbin đã xác định có 22 chương trình hoặc hoạt động đặc biệt - như vũ khí hạt nhân, kho tên lửa hoặc các cơ sở tái xử lý hạt nhân của Triều Tiên - mà các nhà thương thuyết Mỹ cần bàn thảo với Triều Tiên.
Ông Siegfried Hecker, giáo sư Trường ĐH Stanford. Ảnh: AP
Đình chỉ các hoạt động này nhiều khả năng sẽ không mất đến 1 năm nhưng việc tiêu hủy hoặc đặt ra giới hạn cho chúng sẽ mất khoảng 6-10 năm.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc hội nghị thượng đỉnh dự định diễn ra ở Singapore với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một phần do lo ngại liệu Bình Nhưỡng có thực tâm đồng ý với việc hủy bỏ chương trình hạt nhân của nước này một cách trọn vẹn, có thể thẩm tra được và không thể thay đổi (CVID) hay không.
Phía Mỹ vẫn còn e ngại vì không biết Bình Nhưỡng có thực tâm đồng ý với việc hủy bỏ chương trình hạt nhân của nước này một cách trọn vẹn, có thể thẩm tra được và không thể thay đổi (CVID) hay không. Ảnh: REUTERS
Giới phân tích và chuyên gia vũ khí đã nhanh chóng chỉ ra rằng thỏa thuận về phi hạt nhân hóa sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể, do tính chất phức tạp của công cuộc thỏa thuận và thiếu sự tin cậy giữa 2 bên.
Giáo sư Hecker nhận xét với báo The New York Times rằng việc giải trừ vũ khí có thể mất đến 15 năm, căn cứ vào những điều không chắc chắn trong quá trình này. Theo ông, điều tốt nhất Mỹ có thể hy vọng là phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn sau khi đã thực hiện trước hết những phần nguy hiểm nhất trong chương trình của Triều Tiên.
Trong bản báo cáo của mình, các nhà khoa học trường ĐH Stanford vạch ra 3 giai đoạn phi hạt nhân hóa có chồng lấn lên nhau, tổng cộng mất khoảng 10 năm.
Cụ thể, giai đoạn đầu mất 1 năm, ngưng các hoạt động quân sự, công nghiệp và nhân sự. Giai đoạn 2, mất đến 5 năm, giảm dần các địa điểm, cơ sở và vũ khí hạt nhân. Giai đoạn cuối và khó khăn nhất, mất đến 10 năm, tiêu hủy hoặc hạn chế các nhà máy và các chương trình.
Ông Hecker lưu ý rằng quá trình khử độc và ngưng hoạt động của một nhà máy xử lý nguyên liệu phóng xạ đã có thể mất từ một thập kỷ trở lên.
Ông Hecker nhấn mạnh giải pháp cho việc hủy bỏ cả một hệ thống phức hợp hạt nhân của Triều Tiên, được khởi đầu cách đây 6 thập kỷ, là thiết lập mối quan hệ khác với Triều Tiên, ở đó an ninh của nước này dựa vào một điều gì đó khác vũ khí hạt nhân.
Thêm vào đó, chuyên gia Hecker còn đặt vấn đề liệu có để cho các kỹ sư tên lửa của Triều Tiên, đang chế tạo tên lửa tầm xa, được sử dụng kỹ năng của họ vào chương trình không gian hòa bình hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc mít-tinh ở Nashville, bang Tennessee hôm 29-5. Ảnh: REUTERS
Hiện Mỹ đã cử 2 phái đoàn, đến Singapore và đến Triều Tiên, để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo.
Phái đoàn ở Singapore bàn vấn đề hậu cần của hội nghị. Phái đoàn đến Triều Tiên, đứng đầu là ông Sung Kim, nhà ngoại giao Mỹ có kinh nghiệm về Triều Tiên, gặp gỡ các quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Triều Tiên tại khu phi quân sự để bàn về bản thông cáo chung có thể được 2 nhà lãnh đạo ban hành tại hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra vào ngày 12-6 hoặc sau đó.
Tuy nhiên, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ không tiết lộ chi tiết của các cuộc thảo luận này.
Bình luận (0)