Sự kiện năm nay khá yên ắng vì đại dịch Covid-19 đã khiến sự kiện thường niên phải diễn ra thông qua hình thức hội thảo trực tuyến. Không một tổng thống hay thủ tướng nào có mặt tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở TP New York - Mỹ, thay vào đó các lãnh đạo thế giới sẽ có bài phát biểu qua video được thu từ trước.
Năm nay, TP New York không còn chứng kiến hàng đoàn xe limousine chở các nhà lãnh đạo thế giới, với lực lượng bảo vệ hùng hậu, di chuyển trên đường phố. Thông thường mọi năm, tuần lễ cấp cao của Liên Hiệp Quốc thu hút khoảng 10.000 người từ khắp thế giới - một viễn cảnh không tưởng vào năm nay khi mà đại dịch Covid-19 đã tước đi gần 1 triệu sinh mạng.
Cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: AP
Theo tờ Guardian, không giống với một cuộc họp trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom, "cuộc tranh luận chung" tại sự kiện năm nay sẽ không có thảo luận mà chỉ lần lượt phát lại các video phát biểu của lãnh đạo các nước.
Các bài phát biểu của giới lãnh đạo sẽ được đại sứ đại diện của mỗi nước có mặt tại phòng họp đại hội đồng giới thiệu trước khi được chiếu trên màn hình lớn. Chỉ có số ít đại diện các nước - những người đã có mặt sẵn ở New York - được cho phép vào ngồi trong phòng họp Đại hội đồng.
Vì không cần có mặt trực tiếp, dự kiến có nhiều nguyên thủ quốc gia phát biểu trước đại hội đồng hơn, thay vì phái thủ tướng hoặc các nhà ngoại giao dự họp. Ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ có bài phát biểu hiếm hoi trước Liên Hiệp Quốc chứ không để bộ trưởng ngoại giao phát biểu thay.
Bên cạnh đó cũng sẽ thiếu vắng các cuộc đối thoại trực tiếp và bên lề giữa lãnh đạo các nước. Điều này khiến giới chuyên gia và ngoại giao lo ngại kỳ họp khó đạt được nhiều thành tựu.
Quốc kỳ các nước bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc tại TP New York-Mỹ. Ảnh: EPA
Dự kiến phát biểu tại hội nghị hôm 22-9 gồm có Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Brazil, hai quốc gia có số ca tử vong do dịch Covid-19 cao thứ nhất và thứ hai thế giới. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ phát biểu tại sự kiện trực tuyến này.
Trước đó, tại sự kiện đặc biệt đánh dấu 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc hôm 21-9, lãnh đạo các nước đã cam kết nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế trong các vấn đề toàn cầu như chống lại đại dịch Covid-19.
Sự kiện diễn ra khá yên ắng so với mọi năm. Ảnh: AP
Phát biểu qua video hôm 21-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho rằng: "Khi chúng tôi gặp nhau ở New York một năm trước, không ai có thể ngờ rằng năm 2020 sẽ đặt ra phép thử gay go và đột ngột như thế này cho thế giới chúng ta".
Đại sứ Mỹ Cherith Norman-Chalet hôm 21-9 đã có bài phát biểu thay cho thông điệp video của Tổng thống Donald Trump. Bà Chalet cho biết Mỹ đã đóng vai trò trung tâm trong sự thành công của tổ chức với tư cách là nhà tài trợ đáng tin cậy nhất trong 75 năm qua. Tuy nhiên, đại sứ này lưu ý rằng LHQ thiếu minh bạch và dễ bị ảnh hưởng bởi các chương trình nghị sự của các chế độ chuyên quyền và độc tài.
Bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc tại TP New York-Mỹ khá vắng hôm 21-9. Ảnh: AP
Trong bài phát biểu thông qua video hôm 21-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đa phương và duy trì một hệ thống quốc tế lấy Liên Hiệp Quốc làm trọng tâm, động thái rõ ràng nhắm vào chính sách "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền ông Trump.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu mừng kỷ niệm 75 năm thành lập của Liên Hiệp Quốc hôm 21-9. Ảnh: AP
Trong khi đó, Đại sứ Đức tại LHQ Christoph Heusgen cho rằng sự kiện dù diễn ra theo hình thực trực tuyến cũng là cơ hội, đặc biệt khi thế giới đối mặt nhiều cuộc xung đột và những thách thức to lớn như biến đổi khi hậu và đại dịch Covid-19.
Các quan chức tham dự duy trì các biện pháp giãn cách xã hội. Ảnh: Tân Hoa Xã
Bình luận (0)