Các nhà lãnh đạo thế giới hôm 21-9 đánh dấu 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong bối cảnh tính hiệu quả và sự đoàn kết của cơ quan 193 thành viên này đối mặt thách thức từ một loạt vấn đề nóng, từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cho đến bất bình đẳng kinh tế và căng thẳng gia tăng giữa một số nước.
Các nhà ngoại giao cho hãng tin Reuters biết LHQ đã nỗ lực nhiều để thích ứng với hoàn cảnh mới sau khi dịch Covid-19 buộc nhiều triệu người phải ở nhà và giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. Theo Reuters, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới làm việc cùng nhau vào thời điểm thách thức đa phương thì nhiều nhưng giải pháp lại không bao nhiêu.
Trong diễn biến cho thấy vẫn còn không ít thách thức chờ đợi cuộc chiến chống dịch Covid-19, Đại Hội đồng LHQ mãi đến ngày 11-9 mới thông qua được nghị quyết nhằm khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với dịch bệnh này. Đáng chú ý, Mỹ và Israel đã bỏ phiếu chống.
Trong khi đó, lời kêu gọi của LHQ về một quỹ trị giá 10,3 tỉ USD nhằm giúp các nước nghèo ứng phó dịch Covid-19 vẫn chưa được hồi đáp mạnh mẽ khi quỹ này chỉ mới nhận được cam kết đóng góp 25% số tiền cần thiết. Ông Guterres giờ đây đang đi đầu trong nỗ lực bảo đảm vắc-xin Covid-19, nếu có, sẽ đến được mọi người trên thế giới.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc hoạt động tại miền Nam Lebanon Ảnh: REUTERS
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho rằng Đại Hội đồng LHQ lẽ ra nên hành động đối phó Covid-19 từ vài tháng trước nhưng hoạt động của cơ quan này cũng gặp khó bởi tác động của chính dịch bệnh này.
Trụ sở LHQ đặt tại TP New York - Mỹ, nơi từng bị dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng và các thành viên cơ quan này buộc phải chuyển sang làm việc từ xa và họp trực tuyến trước khi nối lại một số cuộc họp trực tiếp gần đây. Riêng tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 75 diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại trụ sở LHQ từ ngày 21-9 đến 2-10.
Một cuộc khảo sát được LHQ công bố ngay trước thềm sự kiện này cho thấy 60% người được hỏi tin rằng tổ chức này đã giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Ngoài ra, 75% người đánh giá LHQ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu thời gian tới, như bất bình đẳng gia tăng, nghèo đói, xung đột vũ trang, khủng bố, biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Theo báo The New York Times, LHQ hiện là tổ chức cung cấp cứu trợ nhân đạo hàng đầu thế giới. Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cũng đang hoạt động tại một số khu vực không ổn định. Dù vậy, tổ chức này vẫn không thể giúp chấm dứt giao tranh dai dẳng ở Syria, Yemen hoặc Libya. Ngoài ra, thời gian diễn ra cuộc xung đột Israel - Palestine cũng dài gần bằng thời gian hoạt động của LHQ và chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ sớm chấm dứt.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP hồi tháng 6, ông Guterres nhận định thành tựu lớn nhất của LHQ kể từ khi ra đời là không xảy ra chiến tranh giữa các nước lớn, cũng như xung đột hạt nhân. Dù vậy, nhà lãnh đạo này thừa nhận thất bại lớn nhất của LHQ là không thể ngăn chặn các cuộc xung đột vừa và nhỏ trên thế giới.
Cảnh báo mới về vũ khí hạt nhân
56 cựu thủ tướng, tổng thống, bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng từ 20 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cùng Nhật Bản và Hàn Quốc, hôm 20-9 công bố bức thư chung hối thúc giới lãnh đạo hiện tại gia nhập Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân (TPNW).
Với chữ ký của hàng loạt nhân vật nổi tiếng, trong đó có cựu Tổng Thư ký NATO Javier Solana và cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, bức thư là một trong những sự ủng hộ mạnh mẽ nhất dành cho TPNW kể từ khi hiệp ước này được thông qua từ năm 2017, mở đường cho các nước thành viên LHQ phê chuẩn. "Sớm hay muộn, chúng ta sẽ hết may mắn - trừ khi chúng ta hành động. TPNW tạo nền tảng để xây dựng một thế giới an toàn, thoát khỏi mối đe dọa hạt nhân" - bức thư khẳng định, đồng thời nhấn mạnh nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đã gia tăng trong những năm gần đây.
Bức thư được công bố giữa lúc Triều Tiên phát tín hiệu về việc nối lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn Iran có vũ khí hạt nhân đang chịu nhiều sức ép. Riêng hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng nhất giữa Mỹ và Nga dự kiến hết hạn vào tháng 2-2021 nhưng hiện chưa rõ liệu nó có được gia hạn hay không.
Chín quốc gia có vũ khí hạt nhân (Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Nga, Mỹ) đã tẩy chay đàm phán TPNW, đồng thời tuyên bố sẽ không bao giờ ký thỏa thuận này. Khẳng định TPNW có những sai sót nguy hiểm, Washington cảnh báo hiệp ước này thậm chí có thể gia tăng rủi ro xung đột hạt nhân. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho rằng hiệp ước này "không thể đưa chúng ta tiến gần mục tiêu về một thế giới không vũ khí hạt nhân".
Dù vậy, phái đoàn từ 122 nước thành viên LHQ đã tham gia đàm phán về TPNW và đã có 44 quốc gia phê chuẩn TPNW tính đến ngày 20-9. Chỉ cần thêm 6 nước phê chuẩn là TPNW sẽ có hiệu lực.
Cao Lực
Bình luận (0)