Các tay súng của nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đã tấn công, chiếm giữ một số khu vực của TP Baquba, cách thủ đô Baghdad - Iraq khoảng 60 km, từ đêm 16 đến rạng sáng 17-6. Tuy nhiên, lực lượng an ninh Iraq đã đánh bật được đối phương ra khỏi những nơi này.
Sẽ có "hàng ngàn Bin Laden"
Đài BBC nhận định nếu ISIL kiểm soát Baquba, họ sẽ dễ dàng tiếp cận các đường cao tốc dẫn đến Baghdad mà không gặp trở ngại nào. Ngoài Baquba, các phần tử ISIL theo dòng Hồi giáo Sunni còn tấn công một ngôi làng của người Shiite gần TP Kirkuk nhưng không thành.
Trước đó, ISIL đã chiếm giữ thành phố chiến lược Tal Afar ở tỉnh Nineveh và thị trấn Saqlawiya ở phía Tây Baghdad. Sau đó, có thông tin Iraq tăng cường chi viện và không kích hầu mong chiếm lại Tal Afar.
Việc chiến sự lan nhanh về phía Baghdad đang tăng sức ép lên Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã có cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia để bàn tình hình Iraq hôm 16-6 nhưng chưa đưa ra giải pháp quân sự nào. Nhà Trắng cho biết ông Obama và các cố vấn sẽ tiếp tục thảo luận trong những ngày tới. Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, không kích bằng máy bay không người lái có thể là một lựa chọn để chống ISIL.
Lực lượng an ninh Iraq tuần tra khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Karbala và Anbar hôm 16-6
Ảnh: Reuters
Điều đáng lo là nhiều nhóm Sunni khác cũng gia nhập cuộc chiến mà ISIL đang phát động để phản đối “sự đàn áp” của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, một người Shiite. Cộng đồng quốc tế lo ngại việc Baghdad thất thủ không chỉ khiến Iraq bị chia cắt mà còn dẫn đến một cuộc chiến giáo phái giữa người Shiite và người Sunni khắp khu vực.
Đại sứ Iraq tại Mỹ Lukman Faily kêu gọi chính quyền Tổng thống Obama gấp rút tăng cường hỗ trợ Baghdad ngăn chặn sự bành trướng của các tay súng nổi dậy người Sunni. Ông Faily cảnh báo trên đài CNN: “Những gì bạn thấy ở Afghanistan chỉ là một Osama Bin Laden nhưng tại Iraq, sẽ có hàng ngàn Bin Laden hiện diện”.
Mỹ - Iran đối phó kẻ thù chung
Việc có chung kẻ thù đã thúc đẩy các quan chức Iran, nơi người Shiite nắm quyền và Mỹ có cuộc gặp bên lề vòng đàm phán hạt nhân ở Vienna - Áo hôm 16-6. Bà Marie Harf, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, thừa nhận Washington và Tehran có mục đích chung là ngăn chặn ISIL kiểm soát Iraq. Tuy nhiên, cả hai bên cho đến giờ đều bác bỏ khả năng hợp tác quân sự.
Trong phát biểu cho thấy sự thận trọng của Mỹ, bà Harf nhấn mạnh không quốc gia bên ngoài nào có thể chỉnh sửa những vấn đề của Iraq. Bên cạnh đó, Washington đang gây sức ép để ông Maliki lãnh đạo đất nước theo đường lối ít mang tính giáo phái hơn. Hãng tin Reuters nhận định bất kỳ sự bắt tay nào giữa Washington và Tehran cũng có thể khiến các đồng minh của Mỹ bất bình, nhất là Israel và Ả Rập Saudi - một cường quốc của người Sunni ở khu vực.
Lo ngại kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, Tổng thống Obama đã ra lệnh triển khai 275 binh sĩ bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Số binh sĩ này có nhiệm vụ bảo vệ công dân, tài sản Mỹ và được vũ trang để tham chiến nếu cần.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho khả năng can thiệp quân sự vào Iraq, Lầu Năm Góc điều thêm tàu đổ bộ USS Mesa Verde chở theo 550 lính thủy đánh bộ và trực thăng chiến đấu Osprey đến vùng Vịnh hôm 16-6. Cùng với tàu sân bay USS George H.W. Bush và tàu USS Mesa Verde, Mỹ đang có 4 khu trục hạm hiện diện ở vùng Vịnh, gồm: USS Arleigh Burke, Truxtun, O'Kane và Philippine Sea.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với đài NBC: “Chúng tôi tập trung hỏa lực ở vùng Vịnh trong trường hợp tổng thống ra lệnh không kích”. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc và nhiều nước đã sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Baghdad.
Đe dọa London
Các công dân Anh đang chiến đấu trong hàng ngũ ISIL ở Syria đã đe dọa khủng bố trên toàn London.
Tờ Sunday Times (Anh) ngày 16-6 cho biết các tay súng này thề rằng nước Anh sẽ là chiến trường tiếp theo sau khi chiến sự tại Syria kết thúc. Đơn cử là tin tặc 20 tuổi Junaid Hussain, người từng đánh cắp thông tin cá nhân của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair rồi đăng trên mạng internet, cảnh báo “lá cờ đen thánh chiến” sẽ sớm bay trên Phố Downing (nơi đặt văn phòng thủ tướng Anh). Đã tham chiến tại Syria hơn 1 năm qua, Hussain còn thề sẽ thảm sát công dân Anh một khi về nước.
Trong khi đó, cựu sinh viên 19 tuổi Muhammad Hassan viết trên Twitter rằng nếu Mỹ không ngừng đe dọa không kích các vị trí đóng quân của ISIL thì sẽ xảy ra các vụ tấn công tương tự vụ 11-9-2001.
Theo tờ báo, người Anh chiếm phần lớn chiến binh nước ngoài của ISIL và khét tiếng không kém những tay súng bản địa. Đáng sợ hơn, chính phủ Anh cho biết rất nhiều trong số này xem cuộc nội chiến Syria là nơi tập luyện trước khi hồi hương phát động thánh chiến.
Ông Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, nói với đài Fox News (Mỹ) rằng có “hàng ngàn” người Mỹ và châu Âu tình nguyện đánh thuê cho ISIL, đồng thời tổ chức này “có khả năng đưa họ trở lại châu Âu và Mỹ để tấn công khủng bố”.
Mỹ Nhung
Bình luận (0)