Giới chức Washington cho biết họ nghi ngờ nhóm phiến quân trung thành với IS trên bán đảo Sinai - Ai Cập, gọi là tỉnh Sinai, đã thực hiện vụ đặt bom trên máy bay. Tuy nhiên, một số thông tin tình báo Mỹ thu được chỉ ra rằng chúng có thể hành động mà không phối hợp với các thủ lĩnh cấp cao của IS tại Iraq và Syria.
Các quan chức này còn nhấn mạnh đây chỉ là kết luận tạm thời, không phải kết quả cuộc điều tra chính thức bởi nó dựa trên thông tin mà tình báo Mỹ có được, chưa bao gồm chứng cứ pháp lý, chẳng hạn như dữ liệu phân tích mảnh bom.
Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ Michael McCaul khẳng định với đài Fox News hôm 8-11: “Bằng chứng mới nhất chúng ta có nằm trong hộp đen, theo đó chỉ ra rằng có một vụ nổ trên máy bay. Thực tế là IS đã tuyên chiến với Nga và thực tế là chúng đã đặt bom trên máy bay”. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cùng chung nhận định này.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho biết ông tin chiếc Airbus A321 bị “khủng bố”, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận khả năng máy bay bị đặt bom.
Hôm 8-11, Reuters dẫn lời một thành viên của nhóm điều tra Ai Cập tiết lộ “90% tiếng động nghe được trong những giây cuối cùng ở thiết bị ghi âm giọng nói buồng lái là của một vụ nổ bom". Tuy nhiên, một tuyên bố của Bộ Hàng không Dân dụng Ai Cập cùng ngày kêu gọi mọi người không nên vội vã suy đoán theo chiều hướng này.
“Các âm thanh phải trải qua phân tích bước sóng trước khi xác định nguồn cụ thể” – Bộ này tuyên bố, đồng thời cho biết 58 thanh tra viên tham gia vào cuộc điều tra đã ký một tài liệu trong đó không bao gồm kết luận âm thanh nghe được nói trên là của một vụ nổ.
Một quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm 7-11 thông báo Nga đã nhờ FBI điều tra thảm kịch nhưng vai trò của cơ quan này “khá khiêm tốn”.
Chiếc Airbus A321 mang số hiệu 9268 của hãng hàng không Kogalymavia (Metrojet – Nga) chở 224 hành khách và thành viên phi hành đoàn bị rơi hôm 31-10 tại bán đảo Sinai - Ai Cập, giết chết toàn bộ người trên khoang. Các mảnh vỡ máy bay trải dài trên diện tích gần 8 km vuông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8-11 đã ký sắc lệnh ngừng các chuyến bay tới Ai Cập. Sắc lệnh này có hiệu lực kể từ ngày ký. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết trong vòng 24 giờ qua, Nga đã đưa 11.000 công dân nước này từ Ai Cập trở về nước. Số người Nga ở Ai Cập được ước tính vào khoảng 80.000 người.
Anh cũng đã đưa được 3.000 người dân về nước, đồng thời phái một nhóm 70 người đến sân bay Sharm al-Sheikh của Ai Cập để đảm bảo an ninh.
Bình luận (0)