Quyết định trên được đưa ra hôm 14-3, từ kết quả vòng đàm phán thứ sáu được tổ chức ở Washington hồi tuần trước. Hai bên hy vọng tất cả các điều khoản sẽ hoàn tất trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm chính thức tới châu Á vào tháng tới, trong đó có Philippines.
Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết thỏa thuận đã hoàn thành được khoảng 80%. “Các điều khoản sẽ cho phép lực lượng vũ trang Manila (AFP) chia sẻ một số khu vực nhất định với lực lượng quân đội Washington” – ông Batino nhấn mạnh.
Theo thỏa thuận, Philippines sẽ cho phép quân đội Mỹ sử dụng chung cơ sở vật chất ở các căn cứ quân sự Manila, Clark, Palawan, Cebu, Nueva Ecija và La Union. Tuy nhiên, Manila từ chối yêu cầu sử dụng chung sân bay dân sự và hải cảng như vịnh Subic cùng sân bay quốc tế Davao.
Trước đó, chính phủ Mỹ lên kế hoạch “tái cân bằng” lực lượng quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đề xuất các thỏa thuận tương tự với Úc, Singapore nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Nếu đàm phán thành công, Mỹ có thể tăng cường triển khai quân đội, tàu chiến, máy bay và thiết bị y tế đến các nước đối tác để thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng.
Hiện hoạt động quân sự của Mỹ tại Philippines chỉ giới hạn ở các cuộc diễn tập thường niên và thăm cảng. Vào năm 1991, Mỹ bị "đá" ra khỏi hai căn cứ quân sự lớn, trong đó có vịnh Subic thuộc biển Đông. Lý do Manila nối lại hợp tác quốc phòng với Washington là để ngăn chặn tham vọng lớn của Trung Quốc ở biển Đông và nhận trợ giúp nhân đạo trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Theo nhà phân tích Rommel Banlaoi thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố Philippines, hành động trên có thể không làm Bắc Kinh chùn bước nhưng sẽ khiến họ dè dặt hơn trước sự hiện diện quân sự của Mỹ. Bên cạnh đó nước chủ nhà cũng được hưởng nhiều lợi ích và nâng tầm Philippines lên thế đồng minh lớn không thuộc khối NATO ở Thái Bình Dương”.
Bình luận (0)