Giới chức an ninh địa phương cho biết quả bom đầu tiên phát nổ gần nhà thờ trên đảo Jolo, thủ phủ của tỉnh Sulu và vụ nổ thứ hai xảy ra bên ngoài nhà thờ này trong khi các lực lượng của chính phủ đang phản ứng với vụ tấn công.
Hiện trường vụ đánh bom. Ảnh: AP
Cảnh sát trưởng Philippines Oscar Albayalde cho biết ít nhất 20 người thiệt mạng và 81 người bị thương.
Các nguồn tin cảnh sát và quân đội tiết lộ các nạn nhân thương vong bao gồm cả binh lính và thường dân.
Các nạn nhân của vụ đánh bom được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Twitter
Các nạn nhân của vụ đánh bom được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Twitter
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các mảnh vỡ và thi thể người nằm trên một con đường đông đúc bên ngoài Nhà thờ Cathedral of Our Lady of Mount Carmel. Đây là nơi đã từng bị đánh bom.
Binh lính trong các xe bọc thép đang vây kín con đường chính dẫn tới nhà thờ, trong khi xe cứu thương khẩn cấp vận chuyển thi thể người thiệt mạng và nạn nhân bị thương tới bệnh viện. Một số nạn nhân được đưa tới TP Zamboanga kế đó bằng đường không.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết: "Tôi đã chỉ đạo binh lính tăng cường mức độ cảnh báo, cùng lúc bảo vệ tất cả các địa điểm thờ cúng và nơi công cộng, đồng thời thực hiện các biện pháp an ninh chủ động để ngăn chặn các kế hoạch thù địch".
Đảo Jolo từ lâu đã phải vật lộn với sự hiện diện của phiến quân Abu Sayyaf – vốn bị Mỹ liệt vào sanh sách đen và Philippines coi đây là tổ chức khủng bố vì hàng loạt vụ đánh bom, bắt cóc và chặt đầu trong những năm qua.
Hiện chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công mới nhất nói trên. Thảm kịch xảy ra chỉ gần 1 tuần sau khi những người Hồi giáo thiểu số ở đất nước có người Công giáo Roma chiếm đa số này tán thành một khu vực tự trị mới ở miền Nam Philippines với hy vọng chấm dứt gần 5 năm nổi loạn ly khai khiến 150 ngàn người thiệt mạng. Mặc dù phần lớn các khu vực Hồi giáo tán thành thỏa thuận tự trị nói trên, các cử tri ở tỉnh Sulu lại phản đối.
Tỉnh này là quê hương của một phe phiến quân đối địch chống lại thỏa thuận tự trị nói trên cũng như nhóm Abu Sayyaf – nhóm phiến quân không thuộc bất kỳ tiến trình hòa bình nào.
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), các chính phủ phương Tây hoan nghênh thỏa thuận tự trị. Họ lo ngại rằng một số các phiến quân có dính líu tới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ Trung Đông và Đông Nam Á có thể lập liên minh với các tay súng nổi dậy ở Philippines và biến miền Nam nước này thành cái lò sản sinh các tay súng cực đoan.
Bình luận (0)