Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 24-5 lên tiếng cảnh báo sẽ cứng rắn với khủng bố sau khi ban bố thiết quân luật trên đảo Mindanao trong vòng 60 ngày.
Có thể thiết quân luật 1 năm
Theo đài BBC, ông Duterte tuyên bố thiết quân luật trên đảo Mindanao có thể kéo dài 1 năm, đồng thời nhấn mạnh thiết quân luật của ông cũng sẽ "khắc nghiệt" như thời cựu tổng thống Ferdinand Marcos.
Hiến pháp Philippines giới hạn thời gian thiết quân luật là 60 ngày, trừ phi quốc hội chấp thuận kéo dài thêm. "Nếu như mất 1 năm để thực hiện điều đó, chúng ta vẫn phải làm" - ông tuyên bố trong đoạn video đăng tải trên website của chính phủ Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết nhờ thiết quân luật, các lực lượng an ninh sẽ có thể bắt các nghi can nổi dậy, cầm giữ họ trong vòng 3 ngày mà không cần buộc tội.
Căn cứ vào hiến pháp, thiết quân luật cho phép Tổng thống Duterte ra lệnh thực hiện các vụ bắt giữ, lục soát và giam cầm một cách chóng vánh hơn nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực, hành động xâm lược hoặc cuộc nổi dậy.
Trước đây, ông đã nhiều lần dọa ban bố thiết quân luật ở miền Nam, nơi diễn ra cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ của các phần tử ly khai Hồi giáo, nhằm tiêu diệt 2 nhóm Maute và Abbu Sayyaf đã thề trung thành với IS.
Binh sĩ Philippines trên đường chi viện cho TP Marawi hôm 24-5 Ảnh: REUTERS
Dù vậy, những người chỉ trích lo ngại thiết quân luật sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm nhân quyền như lúc ông Marcos nắm quyền. Theo các tổ chức nhân quyền và nhà sử học, cảnh sát và binh sĩ đã tra tấn, bắt bớ và giết hại hàng ngàn người phản đối trong suốt 9 năm thiết quân luật thời nhà lãnh đạo này.
Cầm giữ con tin
Thiết quân luật được ban bố theo sau cuộc giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và những phần tử có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở TP Marawi trên đảo Mindanao hôm 23-5.
Các phần tử Hồi giáo cực đoan đã bắt cóc 1 linh mục Công giáo và hơn 10 giáo dân khi vây hãm TP Marawi, phóng hỏa các tòa nhà, mai phục các binh sĩ và kéo cờ IS ở một số địa điểm. Quân đội và lực lượng cảnh sát đặc biệt đã được điều động đến để đánh đuổi các tay súng thánh chiến ra khỏi thành phố.
Theo báo Daily Star, Tổng Giám mục Socrates Villegas, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, hối thúc chính phủ tăng cường an ninh trong thành phố, đồng thời cho biết các tay súng đã hăm dọa giết chết các con tin "nếu các lực lượng chính phủ không rút lui".
Bạo lực bùng phát sau khi quân đội Philippines đột kích vào sào huyệt của Isnilon Hapilon, thủ lĩnh tổ chức Abu Sayyaf và là người có tên trong danh sách những kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất của Mỹ với phần thưởng lên đến 5 triệu USD.
Các phần tử Abu Sayyaf đã kêu gọi nhóm Maute đồng minh tăng viện và khoảng 50 tay súng đã tràn vào TP Marawi. Nhà chức trách khẳng định đã kiểm soát được tình hình nhưng các cư dân chạy khỏi Marawi lại khẳng định thành phố này vẫn nằm trong tay quân nổi dậy.
"Họ chiếm đóng các con đường chính và 2 cây cầu dẫn đến Marawi" - sinh viên Rabani Mautum kể với hãng tin Reuters.
"Cả TP Marawi chìm trong bóng tối. Không có ánh đèn điện nhưng có các tay súng bắn tỉa Maute khắp mọi nơi" - Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đêm 23-5 miêu tả.
Ngoài ra, ông Lorenzana thừa nhận hàng chục tay súng đã chiếm đóng tòa thị chính, 1 bệnh viện và 1 nhà tù, phóng hỏa 1 nhà thờ Công giáo, 1 trường đại học và một số ngôi nhà trong vụ tấn công làm chết ít nhất 2 binh sĩ, 1 cảnh sát và làm bị thương 12 người.
Tổng thống Duterte đã phải cắt ngắn chuyến thăm Nga để trở về xử lý cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong nước. Trước đó, trong cuộc gặp Tổng thống Vladimir Putin ở Moscow hôm 23-5, ông Duterte thẳng thắn nói rằng ông mong Nga cung cấp vũ khí để Philippines chống khủng bố.
"Dĩ nhiên đất nước chúng tôi cần vũ khí hiện đại. Chúng tôi đã đặt hàng ở Mỹ nhưng tình hình lúc này không suôn sẻ lắm trong khi để chiến đấu với IS, chúng tôi cần vũ khí hiện đại" - hãng tin Tass trích dẫn phát biểu của ông Duterte.
Bình luận (0)