Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 2-7 lần đầu tiên cho biết Mỹ và Nhật Bản sẽ được tiếp cận các căn cứ quân sự trước đây của Washington ở nước này. Theo ông Aquino, động thái này sẽ cho phép 3 nước hình thành “một liên minh đáng tin cậy”.
Ông Aquino khẳng định Philippines cần mọi sự giúp đỡ cần thiết từ các đồng minh, nhất là Mỹ và Nhật, để cải thiện khả năng quốc phòng và đối phó với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở biển Đông. Dù vậy, nhà lãnh đạo Philippines cho biết việc tiếp cận nói trên không phải là vĩnh viễn, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng Manila đang tìm cách khiêu khích Bắc Kinh.
Ông Aquino tái khẳng định chính phủ ông phản đối dùng vũ lực trong việc bảo vệ đất nước. Ông cho biết: “Chúng ta phải tìm ra được giải pháp có thể chấp nhận được với tất cả các bên. Chúng ta sẽ nỗ lực hết sức để tránh dẫn đến sự thù địch”.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Mỹ ở Brunei hôm 1-7.
Ảnh: REUTERS
Tuyên bố trên cũng được xem là động thái xoa dịu nỗi lo của một số nghị sĩ và nhóm vũ trang trong nước, theo đó việc cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự Philippines có thể là vi hiến. Trước đó, Washington từng kiểm soát căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân vịnh Subic trước khi núi lửa Pinatubo hoạt động trở lại vào tháng 6-1991, buộc những cơ sở này đóng cửa.
Ba tháng sau đó, theo báo The Philippine Star, Thượng viện Philippines bỏ phiếu bác bỏ việc gia hạn thỏa thuận về các căn cứ quân sự Philippines - Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 1999, Philippines đã phê chuẩn Thỏa thuận về các lực lượng viếng thăm, cho phép các lực lượng Philippines tập trận chung với Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc - Philippines đã gia tăng sau khi tờ Nhân dân Nhật báo vào tuần rồi cảnh báo về một cuộc phản công nếu Manila tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh ở biển Đông. Căng thẳng này đã thể hiện rõ tại cuộc họp kín giữa ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc ở Brunei hôm 30-6. Tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra một loạt phàn nàn nhằm vào Philippines vì “gây căng thẳng ở biển Đông”.
Theo chương trình nghị sự ban đầu, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario không phát biểu tại cuộc họp này nhưng do quá bức xúc, ông đã giơ tay xin phát biểu rồi lần lượt đưa ra những luận điểm để bác bỏ những cáo buộc của người đồng cấp Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam mô tả đó là “một cuộc trao đổi gay gắt”. Ông Rosario sau đó nói với báo giới rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ biển Đông là quá đáng và ông chỉ yêu cầu mọi người ủng hộ việc giải quyết vấn đề này theo luật pháp quốc tế. Quan chức này cũng khẳng định sự tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở biển Đông đang đe dọa hòa bình và sự ổn định ở khu vực”.
Nhật lo ngại giàn khoan của Trung Quốc
Chính phủ Nhật Bản hôm 3-7 tuyên bố “vô cùng lo ngại” việc một tàu Trung Quốc dường như đang cho xây dựng một giàn khoan ở khu vực tranh chấp giữa hai nước trên biển Hoa Đông. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihiko Suga cho biết giàn khoan nói trên nằm ở khu vực chồng lấn của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông, nơi được cho là có nhiều mỏ khí đốt.
Tokyo lâu nay lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ vi phạm thỏa thuận khai thác khí đốt chung tại khu vực nói trên, nhất là nguy cơ Trung Quốc lấy khí đốt ở vùng biển mà Nhật xem là của mình. Ông Suga cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là không thể chấp nhận việc Trung Quốc đơn phương phát triển ở khu vực này. Chúng tôi đã thông báo với phía Trung Quốc mối lo ngại của chúng tôi về hoạt động của chiếc tàu cần trục. Thông qua các kênh ngoại giao, chúng tôi đã nói rõ rằng không thể chấp nhận việc làm này”. |
Bình luận (0)