Theo báo Philstar, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) hôm 31-5 xác nhận Manila gửi công hàm ngoại giao phản đối vào cuối tuần trước.
Công hàm đề cập tới việc Bắc Kinh lắp đặt hệ thống tên lửa trên 3 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) cũng như sự quấy rối của Hải quân Trung Quốc đối với các tàu hải quân Philippines tại bãi cạn Ayungin vào ngày 11-5.
Đây là lần đầu tiên Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc về các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông để từ khi ông Alan Peter Cayetano tiếp quản vị trí bộ trưởng ngoại giao.
Tàu LT 57 Sierra Madre của Hải quân Philippines neo tại biển Đông. Ảnh: AP
DFA cũng khẳng định chính phủ Philippines đã thực hiện tất cả hành động ngoại giao cần thiết để phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Tuần trước, Manila "bày tỏ quan ngại sâu sắc" trước sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp nhưng không phản ứng Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo ở biển Đông. Tổng thống Duterte đã bị các đối thủ chính trị chỉ trích vì hành động "im hơi lặng tiếng" này.
Trong khi đó, hôm 31-5, báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) trong một bài xã luận đã lên tiếng ủng hộ Mỹ gia tăng áp lực lên Trung Quốc để ngăn chặn Bắc Kinh quân sự hoá biển Đông. Mới đây nhất, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia RIMPAC 2018.
cChính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia RIMPAC 2018. Ảnh: Reuters
Yomiuri Shimbun nhấn mạnh Mỹ cần giữ vững lập trường, không cho Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở biển Đông thông qua vũ lực.
Ngoài ra, tờ báo đồng tình với một số hành động cứng rắn gần đây của Washington, bao gồm kêu gọi Bắc Kinh dỡ bỏ các cơ cở quân sự trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép, thực hiện chiến dịch "Tự do hàng hải" bằng cách điều tàu khu trục và tàu chiến xung quanh các đảo này ở biển Đông.
Bình luận (0)