Theo ông Lorenzana, Hiệp ước MDT khá mơ hồ và có nguy cơ gây nhầm lẫn và hỗn loạn nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng.
"Philippines hiện không xung đột và sẽ không chiến tranh với bất kỳ ai trong tương lai. Nhưng Mỹ, với các tàu hải quân gia tăng và hoạt động thường xuyên ở biển Đông, nhiều khả năng liên quan đến một cuộc chiến tranh bằng súng đạn. Trong trường hợp như vậy và trên cơ sở MDT, Philippines sẽ tự động tham gia" – ông Lorenzana nói với đài CNN.
Cảnh báo của ông Lorenzana được đưa ra 1 ngày sau khi một máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay gần các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: GMA Network
Hiệp ước MDT được Mỹ và Philippines ký kết vào năm 1951, trong những năm đầu của thời kỳ chiến tranh lạnh. MDT quy định cả hai quốc gia sẽ hỗ trợ nhau nếu một trong hai nước bị tấn công vũ trang vào vùng lãnh thổ đô thị, vùng lãnh thổ biển đảo thuộc quyền tài phán ở Thái Bình Dương hoặc vào lực lượng vũ trang, tàu và máy bay của hai nước ở Thái Bình Dương.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Lorenzana đề nghị đánh giá Hiệp ước MDT xem nó còn hiệu lực hay liên quan đến Philippines hiện tại hay không.
"Đó là một hiệp ước 67 năm tuổi. Nó còn phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng ta hay không? Đó là những gì chúng ta nên xem xét. Mục đích cuối cùng là duy trì, củng cố hoặc loại bỏ nó" - ông Lorenzana nói.
Hội đồng Quan hệ đối ngoại Philippines cho biết Hiệp ước MDT từ lâu đã gây tranh cãi ở Philippines vì sự mơ hồ trong phạm vi tác động của nó, chẳng hạn các hòn đảo ở biển Đông mà cả Manila và Bắc Kinh đều đòi chủ quyền.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức cấp cao khác. Ông Pompeo tìm cách trấn an Manila về cam kết của Washington đối với Hiệp ước MDT.
"Vì biển Đông là một phần của Thái Bình Dương nên bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở biển Đông cũng sẽ kích hoạt Hiệp ước MDT" – ông Pompeo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hôm 4-3, ông Lorenzana cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc duy trì một phần của hiệp ước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Philippines. Theo đó, sau khi Mỹ đóng cửa căn cứ hải quân ở Vịnh Subic, phía Tây Manila vào năm 1992, Trung Quốc bắt đầu có những hành động gây hấn và không chịu dừng lại.
Bình luận (0)