The báo Manila Times, phát ngôn viên Điện Malacanang Salvador Panelo trước đó thông báo chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đang tham gia một thoả thuận với Trung Quốc vì "vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ".
Trên mạng xã hội Twitter, ông Locsin đáp lại thông báo của ông Panelo: "Thật ra, không có nước nào khác quan tâm. Đó là lý do duy nhất được chấp nhận về mặt pháp lý. Tôi đã hỏi Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ. Bà ấy nói triển vọng đối với Philippines là những lựa chọn nhỏ… Trung Quốc không thích làm kẻ thù. Họ có nhiều dầu khí hơn ở đại lục".
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr.. Ảnh: Phil Star
Tuần trước, Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng này. Manila có thể chấp nhận ăn chia 60-40 với Bắc Kinh.
Philippines đã ký 29 thỏa thuận song phương với Trung Quốc, bao gồm cả việc thăm dò dầu khí, trong chuyến thăm của ông Tập đến Manila năm 2018.
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Philippines Ralph Recto cho rằng việc Manila muốn tìm kiếm sự độc lập về nguồn năng lượng được xem là vấn đề cấp bách.
"Khu vực Malampaya ngoài khơi Palawan có thể hết khí thiên nhiên vào năm 2024. "Bóng ma khát năng lượng" này là điều thúc đẩy hoạt động săn tìm các mỏ khí đốt và dầu mỏ mới trong vùng biển của chúng tôi. Biển Đông là kho nhiên liệu và cá của Philippines. Đây là nguồn protein và năng lượng chính của chúng tôi. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế tàn khốc rằng Philippines đang phải đối mặt với một rào cản lớn khi tiếp cận chúng" - ông Recto giải thích. Malampaya hiện cung cấp 40-50% nhu cầu năng lượng của đảo Luzon.
Cùng ngày 11-8, Điện Malacanang tuyên bố Tổng thống Duterte vẫn sẽ đưa phán quyết của tòa trọng tài về biển Đông ra cuộc gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc vào cuối tháng này, bất chấp việc Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa khẳng định Bắc Kinh sẽ không thay đổi quan điểm bác bỏ phán quyết.
Vào năm 2016, một tòa trọng tài quốc tế do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đã phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền đối với các khu vực nằm trong "đường chín đoạn" ở biển Đông.
Bình luận (0)