Trong cuộc phỏng vấn của báo Bild am Sonntag, ông Gabriel cho biết nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung không có ý muốn Nga “sụp đổ” thông qua việc áp đặt trừng phạt. Mục đích của hành động này, theo ông Gabriel, là đưa Moscow trở lại bàn đàm phán chứ không phải “đẩy chính trị và kinh tế Nga vào hỗn loạn”.
“Bất cứ người nào muốn điều đó xảy ra cũng sẽ tạo nên một tình huống nguy hiểm đối với tất cả chúng ta ở châu Âu. Chúng tôi muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, không phải muốn Nga gặp chuyện” – ông Gabriel nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Đức cho rằng nếu bổ sung biện pháp trừng phạt Moscow có thể ngăn nước này tham gia nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine và điều này sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm đối với thế giới.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel thường xuyên cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga là cần thiết để dẫn đến việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Kể từ sau hành động sáp nhập bán đảo Crimea của Nga, Mỹ và EU lập tức công bố lệnh trừng phạt. Vòng đầu tiên nhắm vào các công ty và quan chức Nga bao gồm lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản. Vòng thứ hai áp dụng từ tháng 7-2014, gây sức ép về tài chính, năng lượng, quốc phòng của Moscow, trong đó Mỹ và EU đổ lỗi cho Nga gây bất ổn tại miền Đông Ukraine.
Để đáp trả, Moscow cấm nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, gia cầm, cá, pho-mát, trái cây, rau quả và các sản phẩm sữa từ Úc, Canada, Liên minh châu Âu, Mỹ và Na Uy trong vòng 1 năm, bắt đầu từ tháng 8-2014. Hiệp hội nông nghiệp lớn nhất của Pháp FNSEA cảnh báo lệnh cấm nhập khẩu của Nga có thể đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng thị trường.
Bình luận (0)