Tại cuộc họp trực tuyến nêu trên, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh đại dịch Covid-19, vốn đã lây nhiễm hơn 1,6 triệu người và giết chết hơn 96.000 người trên toàn thế giới, là "một mối đe dọa lớn đối với nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu".
Khẳng định Covid-19 có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội và bạo lực diện rộng, làm suy yếu khả năng ứng phó đại dịch của cộng đồng quốc tế, Tổng thư ký Guterres kêu gọi sự đoàn kết để giải quyết điều mà ông mô tả là "cuộc chiến của một thế hệ".
Nhân viên y tế sử dụng máy bay không người lái phun thuốc khử trùng tại TP Cannes – Pháp hôm 10-4 Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, bản thân HĐBA không thể làm gì nhiều trong việc đối phó với virus cũng như giải quyết những hậu quả kinh tế mà nó gây ra, Giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của LHQ Richard Gowan lưu ý. "Điều mà tổ chức này có thể làm là kêu gọi thế giới đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19. Sau nhiều tuần Mỹ và Trung Quốc tranh cãi về nguồn gốc virus, một tuyên bố đơn giản từ tổ chức này về sự cần thiết của tinh thần đoàn kết sẽ là một tín hiệu trấn an" - ông Gowan khẳng định.
Cùng ngày, các bộ trưởng tài chính của khối Liên minh châu Âu (EU) đồng ý triển khai gói cứu trợ kinh tế trị giá 591 tỉ USD để giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với các nước thành viên. Dù vậy, các bộ trưởng không đạt được sự đồng thuận về việc phát hành trái phiếu ghi nợ chung, còn được gọi là trái phiếu corona, bất chấp lời kêu gọi từ những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề như Ý, Tây Ban Nha và Pháp.
Theo Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Covid-19 sẽ khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm trong năm 2020, gây ra tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái của những năm 1930. Bà Georgieva khẳng định những thị trường đang nổi và những quốc gia đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong khi đó, Reuters dẫn số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho biết số người thất nghiệp tại quốc gia này đang gia tăng nhanh chóng, với 17 triệu lao động mất việc làm kể từ giữa tháng 3.
Bình luận (0)