Ông Tawatchai Thaikyo, Thứ trưởng Tư pháp Thái Lan, phàn nàn trên mạng xã hội rằng ông cảm thấy buồn khi thấy truyền thông nước ngoài không hiểu rõ quyền lợi của trẻ em và những thủ tục bảo vệ người vị thành niên.
Ông thúc giục truyền thông tuân thủ những quy định được sử dụng khi phỏng vấn người vị thành niên trong các tiến trình pháp lý, theo đó đòi hỏi sự hiện diện của chuyên gia tâm lý trong quá trình hỏi.
Trước khi các thành viên đội bóng Lợn hoang (Wild Boars) được cho xuất viện tại tỉnh Chiang Rai hôm 18-7, nhà chức trách Thái Lan vào tuần rồi yêu cầu các nhà báo trong và ngoài nước kiềm chế trong việc tiếp cận các em phỏng vấn để bảo vệ sức khỏe tinh thần của đội.
Cậu bé Duangpet Promtep, một thành viên đội bóng, và dì của mình trong một cuộc phỏng vấn tại nhà ở Mae Sai, tỉnh Chiang Rai - Thái Lan hôm 19-7. Ảnh: Reuters
Các thành viên đội bóng tại cuộc họp báo hôm 18-7. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Chiang Rai ra thông báo, theo đó tỉnh trưởng Prachon Prachsakul đã lập một lực lượng đặc nhiệm để thảo luận những biện pháp bảo vệ quyền lợi của đội Lợn hoang theo quy định của pháp luật.
Động thái trên diễn ra sau khi có một số phóng viên nước ngoài tìm đến nhà phỏng vấn sau khi các em được xuất viện.
Tuyên bố này cảnh báo bất kỳ ai vi phạm Đạo luật Bảo vệ trẻ em đối mặt mức phạt tối đa 1.800 USD hoặc 6 tháng tù giam hoặc cả hai.
Các phóng viên tham gia đưa tin về chiến dịch giải cứu đội bóng mắc kẹt. Ảnh: Reuters
Trước đó, tại một hội thảo về những bài học rút ra từ việc đưa tin chiến dịch giải cứu đội bóng mắc kẹt ở Thái Lan, có ý kiến cho rằng cần một thủ tục tiêu chuẩn để kiểm soát phóng viên trong việc đưa tin tức nhạy cảm.
Tại diễn đàn nói trên, một số hiệp hội truyền thông và công chúng đã bày tỏ lo ngại về những hành vi bị xem là xâm phạm đến nhân quyền, quyền trẻ em và quyền riêng tư trong quá trình đưa tin về vụ mắc kẹt của đội bóng và quá trình giải cứu sau đó.
Làn sóng chỉ trích đã xuất hiện sau khi một máy bay không người lái của đài truyền hình địa phương PPTV bay gần một trực thăng được sử dụng để sơ tán các cậu bé đưa ra khỏi hang. Đài này sau đó đã lên tiếng xin lỗi.
Máy bay không người lái xuất hiện gần trực thăng trong chiến dịch giải cứu. Ảnh: The Nation
Ông Warat Karuchit, một học giả về truyền thông, nhận định mỗi khi có khủng hoảng xảy ra, độc giả muốn nhanh chóng tiếp cận thông tin mới. Vì thế, có phóng viên sẵn sàng vi phạm đạo đức nghề báo để đáp ứng nhu cầu này.
Vì thế, theo ông Warat, cần có những chiến lược và phương pháp mới để kiểm tra phẩm chất phóng viên hiện tại và trong tương lai.
Bình luận (0)